Sơn La chủ động trước diễn biến khí tượng thủy văn phức tạp trong năm 2021

Đăng ngày: 30-03-2021 | Lượt xem: 615
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, về công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn tỉnh

Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT&TKCN hàng năm, triển khai nhiệm vụ công tác PCTT&TKCN năm tiếp theo. Hàng năm, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh đến cơ sở theo quy định, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể.

Rà soát, bổ sung Kế hoạch và Phương án PCTT hàng năm theo quy định; chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên cả 4 mùa trong năm để đối phó kịp thời với các dạng thiên tai như rét hại, hạn hán, gió lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá lăn, phòng tránh sét đánh. Lồng ghép nội dung Kế hoạch PCTT trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.

Quán triệt, triển khai công tác PCTT&TKCN theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần về lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.... Đặc biệt là vùng thường xuyên bị chia cắt, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn giao thông trong mùa mưa. Rà soát, củng cố đội xung kích PCTT cấp xã.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; phổ biến kiến thức, kỹ năng, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng tránh, ứng phó các dạng thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân. Diễn tập triển khai các phương án ứng phó các tình huống thiên tai tại địa bàn, những vùng xung yếu, trọng điểm có nguy cơ cao và thường xuyên xảy ra thiên tai.

Rà soát đánh giá chỗ ở an toàn cho nhân dân vùng thiên tai, thực hiện cắm biển cảnh báo, mốc chỉ giới khu vực nguy hiểm, vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hành lang thoát lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các điểm taluy sạt lở, đá lăn, cầu cống, ngầm tràn không an toàn khi có mưa lũ. Bố trí lực lượng giám sát, hướng dẫn an toàn cho người dân tại vùng nguy hiểm; chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, sơ tán di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp; đảm bảo an toàn, ổn định đời sống và sản xuất.

Ngăn cấm, xử lý nghiêm việc xây dựng nhà ở, công trình, khai khoáng xả thải san lấp, xâm lấn ngăn cản dòng chảy, hang thoát lũ tự nhiên, đào núi, đào taluy làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; không vớt củi, đánh bắt thủy sản, tắm, bơi, vượt qua dòng chảy xiết hoặc đang có sự cố thiên tai.

Tập trung chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp phòng, tránh gió lốc, sét đánh, mưa đá, đảm bảo an toàn nhà ở cho nhân dân và các công trình. Chủ động các giải pháp về thủy lợi, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh cho mùa khô và phương án phòng chống cháy rừng mùa khô hanh.

Tăng cường thông tin về thiên tai đến người dân tại các bản, tiểu khu. Tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng, quan tâm theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn khu vực qua các kênh thông tin đại chúng. Đề cao cảnh giác, chủ động phương án phòng tránh, ứng phó các dạng thiên tai tác động trong sinh hoạt và sản xuất. Chủ động sơ tán, trú tránh tạm thời, dừng các hoạt động sản xuất khi có dấu hiệu diễn biến thời tiết thủy văn cực đoan, nguy hiểm như mưa lớn, lũ lớn, giông, lốc, sét.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ các công trình thủy lợi, giao thông thi công trên sông, suối. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, an toàn công trình khi mưa, lũ lớn; an toàn dân cư và các hoạt động sản xuất khu vực xây dựng công trình.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành thành viên tăng cường kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại các địa phương, lĩnh vực ngành; trọng tâm là việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống rét hại, gió lốc, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt và việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, công điện, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh trong phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.

Tổ chức trực ban và theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn cảnh báo thiên tai, mưa lũ; kịp thời triển khai các Công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, đôn đốc kiểm tra Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố tổ chức thông tin đến được người dân đầy đủ, nhanh chóng và có biện pháp ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: