Người dân tăng cường thêm trạm bơm chống hạn tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Linh hoạt các phương án cấp nước
Hạn hán năm nay đến sớm và gay gắt nên các tỉnh Tây Nguyên khó tránh được thiệt hại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không chỉ là nắng nóng kéo dài mà còn bởi nguồn nước ngầm, nước đầu nguồn thiếu hụt. Tình trạng diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp; các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp vượt quy hoạch; nhu cầu sử dụng nước tưới tăng trong khi mạng lưới và công suất các công trình thủy lợi so với nhu cầu thực tiễn còn hạn chế. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong tháng 4 và tháng 5 này, khu vực Tây Nguyên tiếp tục ít mưa, thiếu hụt lượng nước so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước; bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô, chính quyền và ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã và đang thực thi nhiều giải pháp cấp bách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, để hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước vào mùa khô, tỉnh tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực, phát triển hệ thống ao, hồ trên địa bàn phục vụ sản xuất. Đồng thời, tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng và nhân rộng các mô hình này; phân phối nguồn nước tại các công trình thủy lợi hợp lý. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn thông tin thêm: Đối với sản xuất rau màu, người dân đã tận dụng nguồn nước ngầm, ao hồ nên chưa ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, vùng sản xuất cây công nghiệp thì sự ảnh hưởng đã thấy rõ. Ngành tiếp tục thực hiện đề án phát triển ao hồ nhỏ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nạo vét các hồ chứa, kênh mương. Cố gắng không ảnh hưởng năng suất cây cà-phê, bởi nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến GDP ngành nông nghiệp. Cũng theo ông Sơn, giải pháp căn cơ, lâu dài là đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, qua đó tăng diện tích được chủ động cấp nước tưới; các công ty thủy điện và địa phương cần thực hiện tốt quy chế phối hợp để bảo đảm bổ sung nguồn nước cho hạ du chống hạn; các địa phương cần kiện toàn tổ chức làm công tác quản lý hạn hán và làm công tác quản lý thiên tai. Đồng thời, xây dựng các kịch bản chống hạn, thường xuyên cập nhật và điều chỉnh để có các giải pháp chống hạn hiệu quả; nhận định các khu vực bị hạn và hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ phù hợp. Ngành cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng mới một số công trình thủy lợi trọng điểm nhằm trữ nước, điều hòa và phân phối hợp lý nguồn nước cho các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và kết hợp phòng chống lũ; bảo vệ môi trường, phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng theo quy hoạch...
Tỉnh Gia Lai cũng đã lên phương án tiếp nước từ các hồ chứa nhiều nước sang các hồ chứa còn ít nước, đồng thời, bố trí tưới luân phiên để tránh thiệt hại cho cây trồng. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, từ đầu vụ đông xuân, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn, như: Tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; điều tiết nước tưới luân phiên phù hợp, tiết kiệm, bảo đảm phục vụ sản xuất; chuẩn bị máy bơm cơ động để chủ động ứng cứu những nơi thiếu nước. Tại Đắk Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, cho biết: Trước mắt, tỉnh chỉ đạo theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng; triển khai hiệu quả các phương án chống hạn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng nước tiết kiệm. Về lâu dài, Đắk Nông kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn triển khai sớm một số công trình thủy lợi trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do hạn hán, nhất là phía bắc tỉnh. Tỉnh Kon Tum cũng đang dành toàn lực cho các giải pháp chống hạn. Trong đó, tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch; phân phối, điều tiết nước có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước với các hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ, nhu cầu dùng nước của cây trồng. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư thiết yếu để kịp thời cấp nước cho nhân dân nếu xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Để ứng phó khô hạn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chủ động triển khai các phương án cụ thể, thiết thực chống hạn. Theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk Trần Thế Hoan: Các công trình do công ty quản lý đảm nhiệm tưới cho 49.730 ha cây trồng. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4, trong số 247 hồ chứa công ty đang quản lý có 16 hồ đạt mực nước dâng bình thường, 61 hồ ở mức 70 đến 90%, 65 hồ ở mức 50 đến 70%, 63 hồ ở mức dưới 50% và 42 hồ đã khô cạn. Theo phương án phòng chống hạn của công ty, trong vụ đông xuân năm nay, khoảng 73 công trình có khả năng hạn về cuối vụ với tổng diện tích cần phải chống hạn là 4.139 ha cây trồng. Vì vậy, hiện nay công ty đang triển khai các giải pháp chống hạn vào thời kỳ cuối vụ. Còn tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk), Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Chiến, cho biết: Giải pháp cấp bách hiện nay là khảo sát ba điểm trên sông Krông Năng để làm các đập dâng và xả nước từ hồ 333 xuống, vì hồ này tích nước chỉ làm nhiệm vụ cho nhà máy đường. Khi xả nước từ hồ xuống dòng Krông Năng, người dân sẽ dùng máy bơm ứng cứu kịp thời cho nhiều diện tích cây trồng nằm dọc theo sông. Huyện cũng đang đề nghị Sở NN và PTNT xem xét bố trí kinh phí hơn 15 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân chống hạn. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương nói thêm: Tỉnh chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và màu. Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cũng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn; phủ màng ni-lông hạn chế bốc hơi, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước; cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, nước tưới cho cây có giá trị cao.
Vùng Tây Nguyên có nhiều bậc thang thủy điện cho nên trong thời gian chống hạn, sự phối hợp của các công ty thủy điện và các địa phương là hết sức cần thiết. Thí dụ, trên lưu vực sông Ba - dòng sông lớn nhất Tây Nguyên, hồ thủy điện Ka Nak (Kbang, Gia Lai) đến đầu tháng 3 chỉ còn khoảng 40 triệu m3 nước, tức chỉ 11% dung tích thiết kế, việc phát điện chỉ hoạt động cầm chừng, lượng nước dành tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân Gia Lai. Phía hạ du, Nhà máy thủy điện An Khê cơ bản đã dừng phát điện từ cuối năm 2019, chỉ hoạt động một số thời điểm, để có nước cứu hạn cho huyện Tây Sơn (Bình Định). Giám đốc Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak Đặng Văn Tuần cho biết, hiện cả hai nhà máy thủy điện đều tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hạ du, hiệu quả sản xuất điện gần như không tính đến…
Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ phù hợp
Thực hiện những công việc cấp bách trong phòng, chống hạn là hết sức cần thiết, nhưng về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần nhiều giải pháp nhằm thích ứng quá trình biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, trong sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi quy hoạch, mùa vụ và cây trồng cho phù hợp tình hình hạn hán liên tục xảy ra hằng năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng cho biết, địa phương đang chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần các loại cây sử dụng nhiều nước sang trồng cây công nghiệp dài ngày; lựa chọn loại giống có sức chịu hạn tốt. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển mô hình tưới nước tiết kiệm, tăng cường trồng xen cây ăn trái để tạo bóng mát, giảm bốc hơi nước; khuyến cáo không khoan giếng sử dụng nước tràn lan nhằm hạn chế tụt mực nước ngầm. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để không tái diễn tình trạng phát triển sản xuất ngoài vùng quy hoạch, ngoài phạm vi tưới nước của các công trình thủy lợi, tránh xảy ra thiệt hại như hiện nay. Còn ở Gia Lai, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đoàn Ngọc Có cho biết, từ đầu vụ đông xuân, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn, như: Hướng dẫn người dân xuống giống sớm, chuyển đổi giống cây trồng ngắn ngày, chịu hạn tốt, khuyến cáo người dân không canh tác ở những diện tích không chủ động được nguồn nước. Ngoài ra, tỉnh chuyển đổi được một số diện tích trồng lúa nước sang trồng cây trồng khác chịu được hạn hoặc sử dụng ít nước; dừng sản xuất ở các vùng thiếu nước tưới. Số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cung cấp, vụ đông xuân năm nay, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng hơn 70.000 ha cây trồng với những loại cây chủ lực như lúa, bắp, mì, đậu các loại. Hiện nay, người dân đã thu hoạch được hơn 25% trên tổng diện tích. Nhờ các biện pháp đề ra ngay từ đầu vụ, diện tích thiệt hại của các loại cây trồng trên đã giảm đáng kể. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đăk Đoa (Gia Lai), Nguyễn Kim Anh, nói: “Chúng tôi vận động người dân sử dụng hợp lý nguồn nước giữa cây lúa nước và cây công nghiệp. Với những chân ruộng thường xuyên bị hạn, chúng tôi khoanh vùng, không cho sản xuất để tránh thiệt hại”.
Tại huyện Cư Jút, địa phương chịu hạn hán nặng ở phía bắc tỉnh Đắk Nông, trong tổng số chín công trình thủy lợi, trạm bơm trên địa bàn chỉ còn ba công trình phát huy tác dụng, số còn lại dưới mực nước chết hoặc cạn trơ đáy. Tuy nhiên, năm nay người dân đã chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp, nên mặc dù đang đỉnh điểm của mùa hạn, nhiều địa phương khác trong tỉnh bị ảnh hưởng hàng nghìn héc-ta cây trồng, nhưng huyện Cư Jút chỉ bị thiệt hại ít. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hồ Sơn cho biết: Năm nay, huyện đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ, tuyên truyền người dân không sản xuất cây ngắn ngày ở vùng khô hạn, thiếu nước tưới nên thiệt hại không xảy ra. Vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy khoảng 1.000 ha lúa nước, hiện các hồ đập thủy lợi trong khu vực đã cạn kiệt nhưng lúa đã thu hoạch được 50%, số còn lại đã chắc hạt nên không bị ảnh hưởng. Cây công nghiệp hiện chưa thiệt hại nặng, một số diện tích có biểu hiện héo lá, giảm năng suất nhưng không đáng kể. Nếu trong hai tuần tới trời không mưa, Cư Jút sẽ thiếu nước tưới trên diện tích khoảng 2.000 ha, tuy nhiên cây trồng sẽ không bị thiệt hại nặng. Hiện một số hồ hết nước không xả nước trực tiếp được nhưng trong lòng hồ vẫn còn nước, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động phương án chống hạn, hướng dẫn người dân khơi mương, tạo dòng, sử dụng máy bơm tưới số nước còn lại trong các hồ thủy lợi để chống hạn. Đối với khu vực cây trồng xa nguồn nước, người dân đã chủ động khoan giếng từ nhiều năm trước nên sẽ đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa hạn, một số khu vực mực nước ngầm bị tụt, giếng khoan hết nước sẽ ảnh hưởng đến cây trồng nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 10%.
Bằng những phương án thực thi cấp bách, các tỉnh Tây Nguyên đang cố gắng hết sức để vượt qua mùa đại hạn năm nay với mong muốn hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, tìm kiếm sự thích ứng và những giải pháp căn cơ mới là công việc lâu dài, tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững, vì sự đe dọa của thiên tai - trong đó có hạn hán trên vùng đất này được dự báo sẽ ngày càng trở nên khốc liệt.
Theo nhandan.com.vn