Thách thức bảo vệ môi trường

Đăng ngày: 21-12-2023 | Lượt xem: 2631
Thói quen xả rác sinh hoạt tùy tiện, chăn nuôi thả rông, không xử lý nước thải chăn nuôi, sản xuất đã xả ra môi trường, không phân loại rác thải đầu nguồn… diễn ra phổ biến từ nông thôn tới thành thị khiến môi trường ngày càng ô nhiễm. Mới đây, TP. Điện Biên Phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu do chưa xử lý nước thải đã xả ra sông Nậm Rốm. Vấn đề bảo vệ môi trường đang là thách thức, cần được quan tâm nhiều hơn khi quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Phụ nữ Mường Nhé thu gom rác thải bán gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn. Ảnh: C.T.V

Phụ nữ Mường Nhé thu gom rác thải bán gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn. Ảnh: C.T.V

Tổng hợp kiến nghị của các đại biểu Quốc hội và HĐND tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cho thấy có 34 kiến nghị và vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Cả nước hiện nay còn 27 trong số 293 khu công nghiệp đang hoạt động mà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai… cũng được đại biểu Quốc hội chất vấn, đề nghị làm rõ tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Với Điện Biên, việc ô nhiễm môi trường không chỉ ở các cơ sở chế biến dong riềng sản xuất theo mùa vụ mà việc thu gom, xử lý rác thải, hệ thống thoát nước, thói quen sinh hoạt xả rác của người dân… đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhiều xã dù đạt nông thôn mới vẫn đang nợ tiêu chí môi trường.

Thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường sống. Các chất thải rắn phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp về chủng loại và số lượng trong khi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Tại địa bàn xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) có 8 cơ sở chế biến dong riềng song chưa cơ sở nào có hệ thống xử lý chất thải, chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép về bảo vệ môi trường. Các cơ sở chế biến dong riềng vay hàng tỷ đồng đầu tư bể chứa, hệ thống máy móc công suất lớn mỗi ngày thu mua, chế biến 25 - 30 tấn dong riềng. Tuy nhiên các cơ sở này sản xuất theo mùa vụ khoảng 2 tháng mỗi năm nên chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy trình. Nước thải từ chế biến dong riềng xả ra sông Nậm Rốm đen ngòm, kéo dài hàng chục ki-lô-mét. Do đó, chính quyền địa phương buộc các cơ sở phải dừng hoạt động, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường.

Tái chế rác thải nhựa thành gạch sinh thái của phụ nữ Mường Chà. Ảnh: C.T.V

Mấy năm nay Điện Biên đã phải tập trung xử lý triệt để 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bãi rác Noong Bua; hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ; hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh… Bãi rác Noong Bua đã đóng cửa hoàn toàn thay bằng xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên với công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại. Hệ thống thoát nước TP. Điện Biên Phủ, chất thải y tế được thu gom, đầu tư công nghệ xử lý.

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được xử lý song vấn đề bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh, tiêu chí môi trường là một tiêu chí khó thực hiện, nhiều xã đạt nông thôn mới vẫn nợ tiêu chí môi trường. Để thực hiện tiêu chí môi trường, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các tổ chức hội đoàn thể phát động các phong trào, hoạt động chế biến rác thải nhựa, phân loại rác thải đầu nguồn, xây dựng những tuyến đường hoa… để môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Phụ nữ các địa phương triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong đó “sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp” được hội viên tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình, cách làm hay góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ duy trì và nhân rộng mô hình đốt rác, hố chôn rác tự hoại, xây dựng 65 lò đốt rác. Phụ nữ Mường Lay thực hiện mô hình nhà sạch, cổng đẹp; vận động phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở huyện Điện Biên, Tủa Chùa; hay mô hình thu gom rác thải môi trường, dọn sạch đồng ruộng tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên... Đặc biệt mô hình biến rác thải thành tiền lan tỏa ở nhiều địa phương, thu hút phụ nữ tham gia tích cực. Chị em thu gom rác tái chế từ vỏ lon, chai nhựa, giấy… bán lấy tiền gây quỹ hội. Đây là cách làm vừa giảm thiểu lượng rác phát sinh ra môi trường vừa tạo nguồn quỹ giúp phụ nữ khó khăn. Qua thực hiện các mô hình, ý thức, nhận thức của phụ nữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên, chị em hiểu đúng và tự giác thực hiện, xây dựng nếp sống văn hóa.

Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ tác động lớn đến phát triển bền vững. Chuyển hướng sản xuất xanh, sạch; phân loại, xử lý rác; thay đổi thói quen xả rác… là những vấn đề đặt ra hiện nay các địa phương cần quan tâm thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường không thể một sớm một chiều mà cần thay đổi từ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý chất thải, xây dựng các mô hình điểm phù hợp để nhân rộng; thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng.

Gia Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/211623/thach-thuc-bao-ve-moi-truong

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: