Thời gian vừa qua, khi có những diễn biến phức tạp về thiên tai và mưa lũ, việc kiểm tra, giám sát để nhà máy vận hành ổn định đã được Công ty Thủy điện Sơn La chú trọng.
Thủy điện Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Đều đặn hàng ngày, các nhóm kỹ sư của Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ lần lượt kiểm tra hệ thống thiết bị quan trắc được lắp đặt bên trong thân đập và các khu vực bên ngoài công trình. Mỗi nhóm kỹ sư gồm 2 người có nhiệm vụ đảm bảo hệ thống máy móc này hoạt động bình thường và chính xác.
Thủy điện Sơn La là công trình đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia, khi thiết kế đã được Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn thiết kế riêng. Trong đó, được áp dụng theo các tiêu chuẩn Việt Nam, Nga và Mỹ. Toàn bộ hệ thống quan trắc ở công trình là những thiết bị hiện đại, được sử dụng ở những nước tiên tiến trên thế giới. Các thiết bị quan trắc ở đây đã được kết nối, thu thập dữ liệu và đưa về hệ thống, lưu trữ tự động theo thời gian thực.
Nằm ở bên trong thân đập, các thành phần quan trắc chính được lắp đặt để đánh giá các thông số đảm bảo an toàn cho công trình như: dịch chuyển vị trí; độ thấm; nhiệt độ; địa chấn. Ngoài ra, đối với mạng lưới trạm đo quan trắc địa chấn, công trình thủy điện Sơn La được lắp đặt 11 trạm ở các cao độ khác nhau.
Còn ở bên ngoài công trình, một hệ thống quan trắc hết sức hiện đại cũng vừa được Nhà máy Thủy điện Sơn La triển khai lắp đặt. Đó là hệ thống toàn đạc tự động Leica TM50 được nhập khẩu từ Thụy Sĩ.
Kỹ sư Nguyễn Việt Anh, Quản đốc phân xưởng thủy công Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết, hệ thống máy này có độ chính xác cao, các thông số kỹ thuật được kết nối, thu thập và gửi về phòng dữ liệu quan trắc để đồng bộ số liệu. Các thông số được kiểm tra, kiểm soát được liên tục, hàng ngày, hàng giờ về hiện trạng, tình trạng hoạt động của đập.
Đồng thời, kết hợp với các thiết bị quan trắc trong thân đập để đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng an toàn công trình. Từ đó, giúp các kỹ sư vận hành đưa ra những cảnh báo, tham mưu cho Ban Giám đốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các biện pháp để vận hành công trình an toàn tuyệt đối.
Thời gian vừa qua, tại các tỉnh Tây Bắc đã xảy ra một số trận động đất với cường độ lớn nhỏ, khác nhau. Theo đó, có trận động đất xảy ra vào ngày 27/7/2020 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với cường độ 5,3 độ richter và hàng loạt dư chấn gây thiệt hại tại một số khu dân cư. Tuy nhiên, các trận động đất này không ảnh hưởng đến sự an toàn của Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Kỹ sư Nguyễn Việt Anh thông tin thêm, để đảm bảo an toàn cho công trình, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã tiến hành kiểm tra theo quy trình xử lý động đất. Đó là kiểm tra toàn bộ các thiết bị quan trắc, cũng như các băng gia tốc lan truyền đến công trình.
Qua theo dõi cho thấy, toàn bộ các băng gia tốc lan truyền đến công trình đều rất nhỏ so với yêu cầu của thiết kế. Đối với công trình Thủy điện Sơn La được thiết kế theo cấp động đất là cấp 8 theo thang MSK64. Vì vậy, công trình không ảnh hưởng và đang hoạt động bình thường, ổn định theo thiết kế.
Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh, ngoài thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập của Nhà nước, Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý an toàn đập. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành nhà máy.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao cho Công ty thành lập trung tâm kiểm soát an toàn đập trên các bậc thang sông Đà. Công ty Thủy điện Sơn La xác định sẽ thực hiện kết nối các đập lớn trên bậc thang sông Đà vào trung tâm để sử dụng phần mềm chuyên dụng nhằm quản lý, giám sát và phân tích thực trạng an toàn đập.
Đảm bảo an toàn cho vùng hạ du
Xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La là vùng hạ du của Nhà máy Thủy điện Sơn La với 12 bản nằm dọc sông Đà. Tại các bản nằm dọc sông Đà, có thể dễ dàng nhận thấy những biển cảnh báo nguy hiểm về việc lưu lượng nước thay đổi bất ngờ được lắp đặt tại các khu dân cư. Ngoài ra, hệ thống loa phát thanh cảnh báo cũng được Công ty Thủy điện Sơn La lắp đặt tại nhiều vị trí khác nhau.
Với những hệ thống cảnh báo này, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La xả lũ người dân sẽ được thông báo kịp thời. Qua đó, góp phần hạn chế những thiệt hại về tài sản và sự cố đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa lũ.
Ông Cà Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tạ Bú, huyện Mường La cho biết, người dân hai bên bờ sông thường xuyên có các hoạt động đánh bắt cá, đi lại bằng thuyền. Trước đây, người dân xuống sông đánh cá, khi thủy điện xả nước lũ về bất ngờ nên đã xảy ra trường hợp không kịp vớt lưới, thuyền bị trôi mất.
Nhưng từ khi có biển và loa cảnh báo đã giúp người dân chủ động lên bờ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hàng năm chính quyền xã đã phối hợp với Công ty Thủy điện Sơn La tuyên truyền tới các bản, nhất là các bản nằm dọc vùng sông Đà, thuộc vùng hạ du, phải đi lại bằng thuyền về công tác đảm bảo an toàn.
Sau khi có những kiến nghị, đề xuất của người dân về vấn đề đảm bảo an toàn khi xả lũ, Công ty Thủy điện Sơn La triển khai lắp đặt hệ thống loa cảnh báo tại các khu dân cư. Đến nay, đã có 7/12 bản nằm dọc sông Đà có hệ thống loa thông báo xả lũ. Các bản còn lại sẽ được Công ty Thủy điện Sơn La tiếp tục lắp đặt nhằm đảm bảo an toàn.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, đơn vị đã phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình vận hành bình thường và khi xả lũ để đảm bảo an toàn đối với vùng hạ du.
Theo đó, hàng năm đều xây dựng quy chế phối hợp để ký với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Đặc biệt, hàng năm Công ty đã rà soát vùng hạ du, hồ chứa để xây dựng các biển cảnh báo. Trong quá trình vận hành, xả lũ Công ty đều thông báo trực tiếp cho người dân biết để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Chính vì vậy, trong thời gian qua dù xả lũ hay vận hành bình thường thì Công ty Thủy điện Sơn La đảm bảo tuyệt đối cho vùng hạ du.
Theo TTXVN