Diễn biến lũ trên sông Hồng, sông Đà năm 2023

Đăng ngày: 17-08-2023 | Lượt xem: 545
Từ đầu tháng 8, nguồn nước trên các lưu vực sông đã được cải thiện một phần, nguồn nước trên thượng lưu sông Hồng, sông Đà ở mức xấp xỉ TBNN. Mực nước các hồ chứa thủy điện lớn trên sông Đà đang tăng dần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Từ đầu mùa mưa lũ năm 2023 trên lưu vực sông Hồng nói chung và sông Đà nói riêng chủ yếu xuất hiện lũ nhỏ trên các sông nhỏ. Nguồn nước trên các lưu vực sông trong 7 tháng đầu năm 2023 phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-80%, thấp hơn năm 2022 từ 20-70%. Mực nước các hồ chứa trên thượng nguồn sông Hồng đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt trong thời kỳ cuối tháng 5 đầu tháng 6, các hồ thủy điện như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang và Thác Bà mực nước đã xuống dưới mức nước chết. Do sự thiếu hụt mưa kéo dài trong nhiều tháng từ đầu mùa lũ đến giữa mùa lũ, nền dòng chảy hầu hết các sông suối trên sông Hồng ở mức thấp dẫn tới mực nước đỉnh lũ trên dòng chính sông Hồng trong thời kỳ lũ chính vụ là tháng 7-8 vẫn ở mức thấp hơn 20-50% so với TBNN. Điển hình mực nước lớn nhất từ đầu mùa trên sông Thao tại Yên Bái mới đạt mức Báo động 1 (ngày 9/8), trên sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 3,22m (ngày 10/8), thấp hơn BĐ1: 6,28m.

Hiện nay, từ đầu tháng 8, nguồn nước trên các lưu vực sông đã được cải thiện một phần, nguồn nước trên thượng lưu sông Hồng, sông Đà ở mức xấp xỉ TBNN. Mực nước các hồ chứa thủy điện lớn trên sông Đà đang tăng dần. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm nguồn nước trong thời kỳ cuối của mùa lũ vẫn có khả năng xảy ra.

Mùa mưa, lũ ở khu vực Bắc Bộ năm nay sẽ kết thúc sớm?

Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo trong ba tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%. Dự báo tổng lượng mưa (TLM) TLM tháng 9/2023 phổ biến cao hơn TBNN từ 5-10%. Từ tháng 10-11/2023 TLM phổ biến xấp xỉ TBNN; riêng khu Đông Bắc và vùng đồng bằng trong tháng 11/2023 cao hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ.

Mùa mưa, lũ ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kết thúc phù hợp với TBNN. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN, cao hơn năm 2022 khoảng 20-40%; trên sông Gâm thiếu hụt từ 5-10% so với TBNN, cao hơn năm 2022 khoảng 10-30%; trên sông Chảy thiếu hụt từ 20-30% so với TBNN, cao hơn năm 2022 khoảng 10-20%.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: