Nhận định mùa bão 2021: Góc nhìn từ chuyên gia

Đăng ngày: 15-04-2021 | Lượt xem: 12276
Những biến đổi trong hoạt động của bão là một trong những vấn đề luôn rất được quan tâm trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây. Sự biến đổi về tần xuất, cường độ, vị trí hình thành và thời gian xuất hiện của bão ảnh hưởng tới các hoạt động an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là các khu vực trên biển, ven biển, các quần đảo, đảo và trên bờ biển.

Biển Đông và Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở 1 trong 5 ổ bão lớn của Thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai xảy ra và bão là loại thiên tai khốc liệt nhất. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện cực đoan, bất thường và phức tạp hơn. Năm 2020 thiên tai đã diễn ra dồn dập và khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước. Để có thêm những thông tin nhận định về mùa bão năm 2021, Tạp chí Khí tượng Thủy văn đã có những trao đổi với chuyên gia Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

PV. Xin ông cho biết, từ góc nhìn của một chuyên gia, ông có những nhận định như thế nào về thuật ngữ “Mùa bão”?

Chuyên gia Lê Thanh Hải: Trên Thế giới trung bình hàng năm có khoảng 70-90 cơn bão xuất hiện trên toàn cầu được trải dài và xuất hiện chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và thường gọi là bão nhiệt đới. Số lượng bão ở các vùng biển nhiệt đới trên toàn cầu chia ra làm 5 ổ bão chính, ở Bắc bán cầu có 3 ổ bão, ở Nam bán cầu có 2 ổ bão và trong 3 ổ bão chính ở Bắc bán cầu thì ổ bão ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão nhiều bão nhất, chiếm đến 32% tổng số các cơn bão của vùng biển nhiệt đới địa cầu, trong đó biển Đông là một phần của ổ bão nhiều nhất này. Đặc điểm quan trọng của ổ bão Tây Bắc Thái Bình Dương này khác với tất cả các ổ bão khác là không hoạt động theo mùa mà diễn ra quanh năm. Từ số liệu thống kê, tại biển Đông chiếm 40% số lượng bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, trong 40% này được phân bố hầu như đều các tháng trong năm, duy nhất tháng 2 là không có, còn tháng nào cũng có thể có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Như vậy, cái khái niệm mùa bão ở biển Đông là rất không rõ ràng và tuỳ thuộc vào quan điểm cũng như khu vực và cách thức quan niệm ảnh hưởng của bão. Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương không có mùa bão, mà bão có thể xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, chỉ có thời kỳ nhiều bão và thời kỳ ít bão. Và do đó khả năng xuất hiện bão trên biển Đông cũng là quanh năm và tập trung nhiều từ tháng 6 đến tháng 12 và ít từ tháng giêng đến tháng 5. Các hoạt động trên các vùng biển, trên các quần đảo như Trường Sa – Hoàng Sa và các vùng ven biển nên lưu ý những thời điểm này trong năm. Và để chú ý và đề phòng hơn đến bão trên biển Đông, có lẽ chúng ta không nên nói rằng cơn bão này trái mùa, cơn bão kia đúng mùa, mà thay vào đó tập trung cảnh báo, dự báo sớm từng cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới bất kể ngày tháng nào trong năm.

Hiện nay, các dự báo trung hạn về ENSO đang cho thấy trong các tháng tiếp theo từ tháng 4 đến tháng 6 ENSO đang ở mức trung tính, thời kỳ La Nina đã chấm dứt, chuyển sang pha trung tính với xác suất tương đối cao từ 60-70%; còn lại 6 tháng cuối năm (từ tháng 7 đến tháng 12) các dự báo dài đang cho rằng sẽ chuyển lại từ trung tính sang La Nina yếu hoặc vẫn tiếp tục là trung tính. Đây là yếu tố đang rất cần được tiếp tục theo dõi. Khả năng chuyển pha từ trung tính sang El Nino là ít khả năng xảy ra. Còn 2 khả năng khác là tiếp tục trung tính hoặc chuyển sang La Nina yếu của 6 tháng cuối năm, thì khả năng thứ 2 là nhiều hơn. Do đó, chúng ta sẽ hình dung, 9 tháng còn lại của năm 2021 là trung tính trong 3 tháng 4,5,6 và có khả năng La Nina yếu trong 6 tháng còn lại, nên cần chú ý cập nhật từng tháng, từng quý để theo dõi.

PV. Với bối cảnh như vậy thì khả năng hình thành và hoạt động của các cơn bão trong năm 2021 sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

Chuyên gia Lê Thanh Hải: Theo số liệu thống kê nhiều năm thì trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9, và 10. Hướng di chuyển trung bình của bão cũng khác nhau theo các tháng. Bão hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam thường gây ra gió mạnh, mưa lớn gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển, nhà cửa, các công trình ven biển và trên đất liền…Phạm vi gió mạnh do bão gây ra tùy thuộc vào cường độ của bão, địa hình khu vực khi bão ảnh hưởng.

Năm nay, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các trung tâm dự báo trên thế giới như Hồng Kông, Philipin, Nhật Bản… cũng đã đưa ra các dự báo bão cả năm chủ yếu theo phương pháp thống kê, cơ sở ở mức xấp xỉ trung bình hoặc nhiều hơn một chút so với trung bình. Năm 2021 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão ở trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Nửa cuối của năm 2021, theo các chuyên gia nhận định nếu là La Nina yếu quay lại thì số lượng bão sẽ hoạt động nhiều hơn. Trong các tháng kế tiếp từ tháng 4-6/2021 các dự báo cho chúng ta thấy sẽ có khoảng 02 cơn bão trên biển Đông, trong đó có thể có 01 cơn ảnh hưởng đến nước ta trong khoảng tháng 6. Trong 6 tháng còn lại sẽ có thể có từ 9-10 cơn bão, nếu La Nina yếu các cơn bão sẽ tương đối dồn dập và nhiều hơn vào các tháng cuối năm gần giống như năm 2020, số lượng các cơn bão sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm tuy nhiên sẽ không liên tiếp dồn dập như năm 2020. Mặt khác, cũng cần phải lưu ý đến cả kịch bản 2: ENSO tiếp tục trung tính 6 tháng của năm. Khi đó năm bão 2021 sẽ “êm đềm” hơn, tức là không quá ít bão như các năm El Nino và cũng không quá nhiều và liên tục như các năm La Nina. Cả 2 kịch bản này chúng ta cần phải cập nhật, theo dõi chặt chẽ để bám sát các diễn biến tiếp theo.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam

PV. Vậy việc dự báo cả “mùa bão” có những khó khăn như thế nào thưa ông?

Chuyên gia Lê Thanh Hải: Từ nay, theo cá nhân tôi, chúng ta nên gọi là “năm bão” thay vì “mùa bão”. Vài thập kỷ gần đây, bão nhiệt đới được phát hiện và theo dõi sát sao hơn thông qua việc phân tích các bản đồ thời tiết dựa trên các số liệu khí áp, gió, mây, mưa…thu nhận được từ lưới trạm quan trắc khí tượng ven bờ biển, trên các hải đảo và tàu biển trên các khu vực rộng lớn hoặc toàn cầu, đặc biệt là các số liệu quan sát từ vệ tinh khí tượng cũng như các thám sát bão bằng máy bay hoặc ra-đa thời tiết, cung cấp thường xuyên các ảnh mây vệ tinh đa phổ có độ phân giải cao bao trùm toàn bộ trái đất, các cơn bão nhiệt đới có thể được phát hiện ngay từ khi chúng mời hình thành ở giữa đại dương cách xa đất liền hàng ngàn km. Ngoài ra, khi bão cách bờ biển vài trăm km, ra đa thời tiết cũng là phương tiện hữu hiệu để theo dõi bão, đánh giá và dự báo bão ở khía cạnh ngắn hạn (vài ngày, ba đến năm ngày) đã tốt lên rõ rệt.

Nhưng bản thân tôi, sau gần 40 năm bão, thấy rằng việc dự báo cả 1 năm bão là rất khó khăn và tiến bộ rất chậm. Phương pháp để dự báo năm bão hay mùa bão chỉ là dùng chuỗi số liệu thống kê từ tập hợp các cơn bão được ghi chép lại, thống kê lại với số lượng các cơn bão thay đổi rất nhiều hàng năm, từ năm nọ sang năm kia, thăng giáng rất nhiều. Trên biển Đông, gần đây năm 2017 số lượng các cơn bão nhiều nhất lên đến 19 cơn bão (kỷ lục là 23 cơn), năm ít nhất là 3 cơn và không có cơn bão nào ảnh hưởng trục tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng cơn bão hoạt động trên biển Đông có thể dao động từ 3 đến 23 cơn.

Gần đây chúng ta đã có thêm rất nhiều phương pháp khác để đưa ra dự báo năm bão. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào có thể đưa ra được con số khả dĩ về số lượng bão đáng tin cậy của cả năm bão hay cả mùa bão. Ví dụ như năm 2020, bão toàn cầu có 2 điểm đáng chú ý. Một là mùa bão ở khu vực bắc Đại Tây Dương có 1 năm kỷ lục với số lượng bão nhiều chưa từng thấy, thậm chí có thời kỳ xuất hiện 04 cơn bão cùng lúc. Chưa thấy Trung tâm dự báo nào trên thế giới dự báo được 1 năm như thế. Trong khi đó, khu vực nhiều bão nhất trên toàn cầu là khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của chúng ta, cũng ghi nhật 1 kỷ lục theo hướng ngược lại, đó là tháng 7/2020 không có một cơn bão nào xuất hiện hình thành ở đây. Trong khi đó vào các năm trước, tháng 7 là tháng tương đối nhiều bão, trung bình phải có 3 đến 4 cơn; và cũng không có nước nào trong khu vực dự báo được điều này. Như vậy, việc dự báo số lượng các cơn bão tiếp tục là vô cùng khó khăn.

Gần đây tôi có suy nghĩ nhiều đến những cái không thể dự báo nhiều hơn là những cái có thể dự báo. Có thể cần phải có nhiều nghiên cứu thêm về vấn đề này. Trong khi chờ tiến bộ của công nghệ dự báo, chúng ta nên đưa ra được góc nhìn tổng thể về những cái có thể và không thể dự báo dài, dự báo xa, để cho các cấp chỉ đạo, chỉ huy, cộng đồng và người dân biết chuẩn bị các phương án, kế hoạch ứng phó hữu hiệu. Một điều nữa cũng phải lưu ý, gần đây, do biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu khiến cho số lượng các cơn bão không tăng, thậm chí một số khu vực còn có khuynh hướng giảm chút ít, nhưng các cơn bão mạnh, siêu bão đang có dấu hiệu tăng trên tất cả các ổ bão trên thế giới. Đây là điểm đáng lưu ý trong công tác chuẩn bị phòng chống, đương đầu với năm bão, cụ thể là những tháng nhiều bão, chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với các cơn bão mạnh hơn, khốc liệt hơn và sức tàn phá cũng sẽ lớn hơn trước đây./.

Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: