Tham dự buổi tọa đàm có Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) GS. Petterri Talaas; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu GS. Trần Thục; Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia PGS.TS. Trần Hồng Thái; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Vũ Nam Tiến và ông Cà Văn Biên (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) - đại diện cho người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai; Cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu về KTTV của các cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai, các cơ sở nghiên cứu đào tạo chuyên ngành về KTTV và biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam, các nhà báo đến từ 30 cơ quan báo chí.
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học, nhà quản lý về khí tượng thủy văn trên toàn thế giới, những hiện tượng thời tiết, đặc biệt là thời tiết cực đoan đã được dự báo, cảnh báo tương đối kịp thời. Với lịch sử hơn 70 năm, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã có sự kết nối giới nghiên cứu khí tượng toàn cầu không biên giới đối với các nước và các vùng lãnh thổ.
Tại tọa đàm, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) GS. Petterri Talaas đã chia sẻ những ưu tiên của Chiến lược phát triển của Tổ chức Khí tượng thế giới giai đoạn 2016 - 2019. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vào việc giảm nhẹ rủi ro do thiên tai; khung dịch vụ khí hậu toàn cầu; hệ thống quan trắc tích hợp; phục vụ khí tượng hàng không… Các ưu tiên này hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và kết quả mong muốn đạt được phục vụ cho Khung hành động Senda về Giảm nhẹ rủi ro do thiên tai giai đoạn 2015 - 2030.
Các khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm
Cùng tại buổi tọa đàm, các khách mời đã có chia sẻ về ảnh hưởng và tác động nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương gần 1,3 tỷ USD). Ở Việt Nam ngay năm 2017, người dân chứng kiến tới 20 cơn bão, và những trận mưa lũ lớn nhất trong lịch sử hàng chục năm qua. Thiên tai, đã đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng chục triệu người dân Việt Nam.
Các khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm
Các đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ đặt câu hỏi với khách mời nhằm hiểu sâu hơn về những thông tin khoa học cũng như những khó khăn, thách thức về ngành khí tượng thủy văn và những vấn đề xung quanh công tác dự báo khí tượng thủy văn ở cả Việt Nam và thế giới.
Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi Hội thảo kỹ thuật đánh giá những nghiên cứu ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn (TECO), là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ thuật phân tích, cải tiến công nghệ và các kinh nghiệm trong dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng, triều cường; Chia sẻ công nghệ mới trong quan trắc, giám sát mạng lưới; Công nghệ tích hợp, truyền tin và các hoạt động đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực và các hoạt động, giải pháp ứng phó. TECO đóng góp vai trò là nền tảng để thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác nhiều chiều giữa các cộng đồng khoa học.
Toàn cảnh cuộc họp
Bài và ảnh: Mỹ Linh