Diễn biến cơn bão số 3 (WIPHA)

Đăng ngày: 01-08-2019 | Lượt xem: 1890
Tiếp tục thảo luận diễn biến bão sắp tới, ảnh hưởng gió mạnh, sóng, nước dâng trên biển và gió, mưa lớn trên đất liền; Diễn biến lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng trũng nước, trong và sau bão. Chiều ngày 1/8/2019, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) chỉ đạo cuộc họp.

     Tham dự phiên họp có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Lê Thanh Hải; Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường; Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng; Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Viễn thám Quốc gia, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước cùng các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục KTTV; Cùng các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc và Đài KTTV các tỉnh: Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Giang ở các đầu cầu trực tuyến.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chỉ đạo tạo cuộc họp

     Tại cuộc họp, đại diện các phòng chức năng thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các chuyên gia đã phân tích diễn biến bão 3-5 giờ vừa qua, đánh giá cường độ hiện tại, dự báo trong khoảng 06 giờ sắp tới, đánh giá sự thay đổi dự báo của các mô hình số trị; diễn biến tiếp theo hướng đi của bão (cường độ và ảnh hưởng) đối với các khu vực trong phạm vi bão để đưa ra các cảnh báo mưa lớn, vùng chịu tác động của bão.

     Cụ thể, lúc 13 giờ hôm nay (01/8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 13 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, ngay phía Đông Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Về vùng nguy hiểm trên biển Đông, các chuyên gia cho rằng, trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10km, khoảng chiều đến tối mai) 2/8 đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên các sông ở Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Cảnh báo: Từ đêm nay đến ngày 04/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).

Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m.  Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt mức báo động (BĐ)2; thượng lưu sông Lô, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà và thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) đạt mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình, sông Bằng Giang và hạ lưu sông Mã đạt mức BĐ1; hạ lưu sông Cả (Nghệ An) còn dưới mức BĐ1.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ông Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp

     Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An).

     Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị các Đài khu vực, Đài tỉnh căn cứ vào phạm vi hoạt động cụ thể hóa bản tin đến từng phường, xã để địa phương có được giải pháp kịp thời. Đồng thời, đưa ra được bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cảnh báo ở cả mức độ rất cao, cao và trung bình; Đài Quảng Ninh, Đài KTTV khu vực Đông Bắc căn cứ vào nghiên cứu của Viện Khoa học KTTV và BĐKH đưa ra những hình ảnh rủi ro thiên tai, ví dụ như ở Quảng Ninh là các mỏ than, khu du lịch... mở rộng thêm các đối tượng tác động; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cung cấp thông tin kịp thời; Trong tối nay 1/8 và ngày mai 2/8 tập trung theo dõi sát sao tình hình diễn biến bão số 3; Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV đảm bảo đường truyền, cung cấp số liệu chính xác; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần đưa ra số liệu số liệu về gió, số liệu về cấp bão ngoài bờ, bão đổ bộ vào bờ... đặc biệt lưu ý đến số liệu gió, thời điểm bão bắt đầu tác động, khu vực bão tác động và thời gian bão tác động chứ không chỉ tập trung vào khu vực tâm bão. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng yêu cầu lãnh đạo các Đài KTTV đặc biệt là các Trạm KTTV ở khu vực tâm bão dự kiến đi qua đảm bảo đến mức tối đa an toàn cho các quan trắc viên để đảm bảo thông suốt công tác dự báo về diễn biến cơn bão.

Bài và ảnh: Mỹ Linh

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: