Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi giữa các đơn vị nghiên cứu, đơn vị giảng dạy và các đơn vị thực hiện dự báo tác nghiệp để nâng cao hiểu biết về nguyên nhân, tính chất và tác động của mưa lớn cũng như tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ phân tích dự báo mưa lớn, đặc biệt là định lượng mưa lớn.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, ông Hoàng Đức Cường phát biểu khai mạc cuộc họp
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ông Hoàng Đức Cường chia sẻ: Ở Việt Nam, mưa lớn xảy ra thường xuyên hàng năm gây ra nhiều hệ quả về lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trên phạm vi toàn quốc. Điển hình những năm gần đây có thể kể đến trận mưa lũ lịch sử năm 2020, cùng với sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên hàng nghìn tỷ đồng. Và ngay những tháng đầu năm 2022 vừa qua, từ ngày 31/3 đến ngày 02/4, mưa lũ dị thường trái mùa đã gây ngập lụt hàng trăm nghìn héc ta hoa màu, các tuyến đường giao thông, hàng nghìn ngôi nhà, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sản xuất kinh tế của người dân miền Trung.
Trong thời gian qua, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và thông qua các dự án, ngành KTTV Việt Nam đã có được tăng cường về cơ sở hạ tầng quan trắc KTTV, cơ sở hạ tầng tính toán (hệ thống đo mưa tự động, mạng lưới ra đa hiện đại băng sóng C và băng sóng S cơ bản đã phủ rộng khắp khu vực Việt Nam; hệ thống thu nhận dữ liệu vệ tinh, hệ thống siêu máy tính (CrayXC40)). Cùng với sự tăng cường về trang thiết bị, là sự tâm huyết, không ngừng nghiên cứu của các giảng viên, nghiên cứu viên ở các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu và các cán bộ, dự báo viên của Tổng cục KTTV với mong muốn từng bước nâng cao chất lượng dự báo mưa. Tuy nhiên, vấn đề dự báo mưa, đặc biệt dự báo định lượng mưa là một bài toán vô cùng phức tạp không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả những nước có nền khoa học và công nghệ hiện đại trên thế giới. Dự báo mưa, đặc biệt là các trận mưa lớn càng trở nên khó hơn đối với khu vực nhiệt đới gió mùa, nơi có sự tương tác giữa các hệ thống thời tiết quy mô khác nhau, giữa hệ thống hoàn lưu quy mô vừa, quy mô địa phương địa hình.
Theo Phó Tổng cục trưởng, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng công tác phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai do mưa lớn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Để làm được như vậy, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại, đặc biệt các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đã được Đảng và chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển công tác dự báo cảnh báo KTTV nói dung và dự báo, cảnh báo mưa nói riêng; điều này đã được khẳng định tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông mong rằng, buổi Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý và đề xuất những giải pháp hiệu lực hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa công tác dự báo mưa lớn theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của thế giới, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo mưa lớn của toàn ngành KTTV.
Tại buổi Hội thảo đã nghe 05 báo cáo về “Đánh giá hiện trạng dự báo mưa lớn, khó khăn, thách thức trong công tác dự báo mưa lớn và kết quả dự báo định lượng mưa cho Việt Nam” và “Đổi mới công nghệ dự báo định lượng mưa tăng cường phục vụ công tác phòng, chống thiên tai” của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; Báo cáo “Giới thiệu kết quả, công nghệ dự báo mưa lớn trong các dự án đang triển khai” của Đài Khí tượng cao không; Báo cáo “Vai trò của nghiên cứu cơ bản trong dự báo mưa lớn” của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Báo cáo “Công nghệ dự báo mưa, mưa lớn định lượng cho Việt Nam tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu” của Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi và thảo luận, phân tích về nguyên nhân, cơ chế gây mưa lớn, những vấn đề cần đặt ra trong nghiên cứu về mưa lớn và thảo luận về công nghệ hiện đại có khả năng áp dụng để cải thiện chất lượng dự báo mưa lớn.
Các đại biểu tham dự tại các đầu cầu trực tuyến
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Tổng cục KTTV
Mỹ Linh