Tiếp tục triển khai xây dựng đề án cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét

Đăng ngày: 15-03-2022 | Lượt xem: 2795
Chiều ngày 14/3/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức họp trực tuyến tiếp tục bổ sung, triển khai xây dựng đề án cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét

Cuộc họp diễn ra bằng hình thức trực tuyến

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất, lũ quét liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung. Để có cơ sở cho việc rà soát, quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, chủ động di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm cần khẩn trương xây dựng bộ bản đồ với tỉ lệ phù hợp để cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Chiều ngày 14/3/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức họp trực tuyến tiếp tục bổ sung, triển khai xây dựng đề án cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái tham dự và chủ trì cuộc họp.

Sau đợt thảm họa thiên tai trượt lở đất đá, lũ quét vào cuối năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố đã có đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là 02 tỉnh Quảng Nam (Công văn số 6598/UBND-KTN) và Thừa Thiên Huế (Công văn số 10151/UBND-ĐC) mong muốn chung là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng được bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét cho các khu vực nhỏ (cấp xã, cấp huyện) với tỉ lệ lớn (1:2.000, 1:5.000 hoặc 1:10.000). Trong quá trình xây dựng bản đồ, cần có sự phối hợp của các địa phương nằm trong các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Các văn bản của Chính phủ bản đều tập trung chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án trong giai đoạn mới, trong đó xác định phạm vi, quy mô, nội dung, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra trượt lở đất, lũ ống, lũ quét, lũ bùn đá với tỉ lệ phù hợp để cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, làm cơ sở cho việc rà soát, quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, chủ động di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm cần nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất, lũ ống, lũ quét, lũ bùn đá.

Tất cả các yêu cầu nêu trên của các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là chỉ đạo của Chính phủ, đã thể hiện tính cấp thiết phải tiến hành các công trình xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét. Kết quả của công tác này sẽ góp phần tiến tới xây dựng và hoàn thiện Hệ thống thông tin - cảnh báo sớm thiên tai (trượt lở đất đá, lũ quét) thống nhất liên ngành, phục vụ cảnh báo sớm và theo thời gian thực tại các khu vực có nguy cơ cao, rất cao, đảm bảo khả năng hoạt động lâu dài, phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Quan điểm của đề án tập trung vào các nội dung: Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân; Chủ động phòng ngừa trượt lở đất đá, lũ quét, phải lồng ghép bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và không làm tăng nguy cơ sạt lở; Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét cần được thực hiện đồng bộ, xử lý cấp bách trước mắt, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, không làm tăng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ; Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện; Đề cao sự tham gia của cộng đồng trong công tác phối hợp cung cấp thông tin phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét; Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án đang thực hiện về trượt lở đất đá, lũ quét; thống nhất về phương pháp, phương án và kiến trúc công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia phát triển về khoa học công nghệ phân vùng và cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét nâng cao năng lực, khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong phân vùng và cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là: Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai trượt lở đất đá, lũ quét; Điều tra, lập bản đồ phân vùng rủi ro do trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn cho những khu vực nhỏ, phục vụ quy hoạch, di dời dân cư, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao năng lực cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét đảm bảo các khu dân cư ở khu vực miền núi, trung du có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét đều được cảnh báo kịp thời; Nâng cao năng lực cộng đồng về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ quét gây ra, đảm bảo các khu dân cư ở khu vực miền núi, trung du có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét được hướng dẫn đầy đủ kỹ năng ứng phó khi xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét.

Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các dự án, nhiệm vụ liên quan đến lũ quét, sạt lở đất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện. Ngoài ra thực hiện thêm các nội dung: Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, quy trình, quy định kỹ thuật; Điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn; Điều tra, lập bản đồ phân vùng rủi ro trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn; Xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét; Xây dựng công trình phòng chống, công trình cảnh báo sớm tại các khu vực trọng điểm; Nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực cộng đồng về phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Đặng Thanh Mai yêu cầu Vụ Quản lý dự báo tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để bám sát các tiêu trí xây dựng đề án. Tập trung chỉnh sửa, làm rõ nội dung đề án, định hướng quan điểm công tác cảnh báo, dự báo đã thực hiện trong những năm qua, xây dựng giải pháp triển khai lồng ghép thực hiện có sự liên kết với các nhiệm vụ đang thực hiện, có kế hoạch cụ thể thực hiện những nội dung tiếp theo. Tiếp tục thực hiện xây dựng bản đồ tỷ lệ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn cho các xã trọng điểm. Vụ Quản lý dự báo KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV tập trung làm rõ thêm nội dung xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét để có giải pháp thực hiện cụ thể. Xem xét xây dựng thí điểm công trình phòng chống, công trình cảnh báo sớm, có hướng dẫn thực hiện kỹ thuật giúp các địa phương thực hiện khi cần thiết. Đánh giá lại những tồn tại của các đề án, dự án đã làm trước đó, xây dựng các giải pháp thực hiện cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, tăng tính thuyết phục trong quá trình hoàn thiện dự án.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: