Tổng cục Khí tượng Thủy văn thảo luận chuyên môn về cơn bão số 9 năm 2020

Đăng ngày: 26-10-2020 | Lượt xem: 1835
Chiều ngày 26/10, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức thảo luận phiên thứ nhất nhận định chuyên môn về diễn biến và tác động của cơn bão số 9. Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham dự và chỉ đạo tại phiên thảo luận.

Tham dự thảo luận về phía Tổng cục KTTV có sự tham dự của Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng, các đơn vị có trụ sở tại Hà Nội, trực tuyến với các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Hồi 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12- 13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều mai (27/10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội; song biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Dự báo mưa lớn trên đất liền: Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200- 400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở  khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Ông Lê Công Thành Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường tham gia thảo luận và chỉ đạo

các đơn vị chuyên môn theo dõi sát các số liệu về cơn bão số 9

Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, trong khi đó những ngày qua, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã làm nhiều người tử nạn, hàng chục người mất tích cùng nhiều thiệt hại của người dân. Để đảm bảo công tác cảnh báo, dự báo phục vụ các chuyên gia đến từ các đơn vị trong và ngoài Tổng cục KTTV, các Đài KTTV khu vực tại các điểm cầu trực tuyến đã tiến hành thảo luận chuyên môn đưa ra các nhận định về cơn bão số 9.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu các đơn vị, các bộ phận chuyên môn rà soát thông tin, thống nhất ý kiến nhận định; Đài Khí tượng Cao không đảm bảo các radar thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời số liệu vệ tinh khí tượng; Các bản tin dự báo nhấn mạnh thời gian tác động, và các yếu tố tác động của bão; Nhanh chóng gửi công văn đến Ủy ban nhân dân các Tỉnh nơi tập trung nhiều hồ chứa, các khu khai thác, xây dựng phương án ứng phó kịp thời trước diễn biến của cơn bão.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh “Chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu năm và có thể là mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay”, bão số 9 có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong khi đó trong gần 1 tháng qua thiên tai xảy ra liên tục, các tỉnh miền Trung đã và đang gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Lãnh đạo các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến diễn biến của bão số 9 để nhanh chóng có các phương án ứng phó kịp thời. Vì vậy, tất cả các Đài KTTV khu vực, Đài tỉnh và các đơn vị chuyên môn tại trung ương cần nhanh chóng rà soát phương tiện, thiết bị đo đạc KTTV, khắc phục các sự cố về kỹ thuật, lên các phương án dự phòng trong trường hợp sóng to, gió lớn, các thiết bị quan trắc bị ảnh hưởng dẫn đến không đo đạc, quan trắc được số liệu kịp thời; Phương tiện thông tin tại các trạm tiền tiêu phải được kiểm tra lại, hạn chế sự cố đứt cáp, mất điện…; Cảnh báo tới lãnh đạo các Tỉnh chú ý đến vị trí tại các Đảo tiền tiêu, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân; Theo dõi các thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhanh chóng phản hồi, đính chính các thông tin gây sai lệch; Theo dõi sát sao các dữ liệu được gửi về, tham khảo số liệu từ các Cơ quan Khí tượng trên thế giới hiệu quả.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Bài và ảnh: Thu Hằng

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: