Buôn bán động vật hoang dã gây hại cho động vật và sức khỏe con người: Trường hợp của tê tê

Đăng ngày: 01-05-2020 | Lượt xem: 10229
Sự bùng phát của dịch Covid-19 có liên quan đến một loại virus corona bắt nguồn từ dơi hoang dã và loại virus này lây truyền sang người thông qua một động vật trung gian, trong đó tê tê bị coi là nghi phạm hàng đầu.

Trong số các loài động vật có vú thì tê tê là loài bị buôn bán nhiều nhất thế giới

Loài động vật có vú ẩn dật và sống về đêm này bị giết để lấy thịt và vảy – thứ thường được dùng để làm thuốc ở cả châu Á và châu Phi. Thịt tê tê hoang dã được coi là đặc sản và được bày bán tại nhiều chợ tươi sống – nơi nhiều khả năng là điểm bắt đầu cho virus lây lan.

Đại đa số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật và được truyền sang người. Buôn bán động vật hoang dã góp phần vào thảm kịch đại dịch khiến bệnh truyền nhiễm trở thành mối đe dọa không chỉ với môi trường và di sản thiên nhiên mà còn với cả sức khỏe và an ninh của con người.

“Tội phạm động vật hoang dã gây nguy hiểm cho sức khỏe của hành tinh và sức khỏe của chính chúng ta. Tê tê không gây nguy hiểm cho con người trong sinh cảnh của chúng nhưng khi chúng bị buôn lậu, giết mổ và bán ở các chợ bất hợp pháp cùng các loài hoang dã khác thì nguy cơ lây truyền virus và các mầm bệnh khác sẽ tăng đáng kể. Để bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiếp theo, nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cần phải bị chấm dứt”, Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) Ghada Waly nhấn mạnh.

Trong số các loài động vật có vú thì tê tê là loài bị buôn bán nhiều nhất thế giới với số lượng vụ buôn lậu bị bắt giữ có nguồn gốc từ châu Phi và hướng đến các thị trường châu Á tăng gấp 10 lần kể từ năm 2014. Nghiên cứu của UNODC về buôn lậu tê tê, bao gồm cả dữ liệu thu thập từ thực địa vừa được công bố vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (22/4) và sẽ được đưa vào Báo cáo Tội phạm Động vật hoang dã Thế giới của UNODC, dự kiến công bố vào tháng 6 năm nay.

Thật khó để ước tính có bao nhiêu cá thể tê tê bị buôn bán bất hợp pháp trong những năm gần đây bởi số vụ bắt giữ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số cá thể tê tê bị giết. Tuy nhiên, mức độ buôn bán bất hợp pháp dựa trên hồ sơ bắt giữ cho thấy nguồn cung từ hoang dã không bền vững, trong khi sinh sản tê tê trong điều kiện nuôi nhốt ở quy mô thương mại hiện vẫn là bất khả thi.

Từ năm 2014 đến 2018, có khoảng 370.000 cá thể tê tê bị thu giữ trên phạm vi toàn cầu, điều này cho thấy hàng triệu cá thể tê tê có thể đã bị buôn lậu và giết chết.

Nghiên cứu của UNODC cho thấy nguồn gốc tê tê bị tịch thu chủ yếu ở Tây Phi và Trung Phi. Đặc biệt, nguồn tin từ các thương nhân cho hay những kẻ buôn lậu tê tê thường sử dụng chính các tuyến đường phục vụ buôn lậu ngà voi để xuất nhập khẩu vảy tê tê. Và dường như những kẻ buôn lậu ngà voi cũng có liên quan đến buôn bán vảy tê tê.

Kể từ khi Hội nghị các bên tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đưa tất cả các loài tê tê vào Phụ lục I tháng 10/2016, loài này đã được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo luật quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm thương mại quốc tế, tê tê vẫn là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: