OECM: Cơ hội mới cho bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Đăng ngày: 26-06-2020 | Lượt xem: 6587
Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) mà Việt Nam là thành viên đã công nhận các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM) là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội mở rộng và liên kết các mạng lưới bảo tồn của quốc gia.

Các OECM là một bước tiến quan trọng trong việc chính thức công nhận các kết quả bảo tồn bên ngoài khu vực bảo vệ

Bước tiến công nhận kết quả bảo tồn bên ngoài các khu bảo vệ

Tại Hội nghị Các bên (COP) ở Nagoya năm 2010, các Bên trong công ước CBD, bao gồm Việt Nam đã công nhận các biện pháp bảo tồn mới là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội mới mở rộng và liên kết các mạng lưới bảo tồn quốc gia thông qua việc xây dựng và chính thức công nhận các OECM.

Ông Harry Jonas – Đồng Chủ tịch Ủy ban thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN cho biết, trên thế giới, các OECM là một cơ hội để công nhận và đóng góp cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo vệ. OECM có thể bao gồm nhiều loại hình quản trị khác nhau và có thể được quản lý bởi chính phủ, tư nhân, người dân bản địa hoặc các cộng đồng địa phương.

“Các OECM yêu cầu có sự gắn kết trực tiếp với chủ sở hữu và người sử dụng đất hoặc biển”, ông Harry Jonas nhấn mạnh.

Theo ông Harry Jonas, một OECM cần phải đạt được các điều kiện về nằm ngoài các khu bảo vệ, có ranh giới địa lý có thể xác định được; có cơ quan có thẩm quyền quản trị và chế độ quản lý bền vững; đồng thời, phải mang lại kết quả bảo tồn đa dạng sinh học nội vi hiệu quả; có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học lâu dài. Các điều kiện này đặt ra tiêu chuẩn tuân thủ cao để tránh việc các khu được quản lý kém với những giá trị đa dạng sinh học hạn chế cũng được coi là OECM.

Cơ hội cho Việt Nam?

Việt Nam là nơi có nhiều vùng cảnh quan nông nghiệp rộng lớn; trong đó có những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao hoặc những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái trong tự nhiên nhằm mang lại các lợi ích về khí hậu hoặc đa dạng sinh học. Trong các cảnh quan này, có rất nhiều cơ hội để công nhận các OECM.

Các OECM giúp công nhận, hỗ trợ và duy trì các khu vực khác nhau nơi tạo ra các kết quả bảo tồn và quản trị tốt bên ngoài các khu bảo vệ

Ông Nguyễn Đức Tú - Điều phối viên Chương trình đa dạng sinh học IUCN ở Việt Nam cho biết, OECM không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa như: các vùng núi đá vôi bị cô lập, các vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa, các bãi bùn ven biển vốn đang ít đại diện trong hệ thống khu bảo vệ chính thức hiện thời.

Các OECM cũng đem lại cơ hội công nhận sự đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học của doanh nghiệp, cộng đồng thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý chính vùng đất mà họ đang được trao quyền sử dụng.

Theo ông Tú, Việt Nam có các OECM như khu vực "cấm xâm nhập"; các vùng đất thiêng, các khu quân sự, phế tích chiến tranh, các khu vực "cấm" khác (lệ thuộc); các khu vực được bảo tồn nhờ việc sử dụng ít gây tác động, các khu vực phòng hộ đầu nguồn, các vùng đất ngập nước liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái (thứ cấp); các khu vực đất tư có mục tiêu trước hết là bảo tồn... nơi chủ thể quản trị: không có khả năng đăng ký thành lập khu bảo vệ hoặc không muốn được công nhận là khu bảo vệ (sơ cấp).

Ở nước ta, "OECM" là một định nghĩa mới được quốc tế công nhận có thể giúp thẩm định và công nhận các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo vệ; có thể dùng để chính thức công nhận các hình thức quản lý và các chủ thể quản trị. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho các khu, cho phép có thể đưa ra các trợ giúp phù hợp cho các khu.

Đặc biệt, có thể giúp cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học của các ngành khác nhau bao gồm khối doanh nghiệp (khu vực thường được xem là nằm ngoài những nỗ lực bảo tồn ĐDSH); bổ sung danh mục hoạt động CSR cho các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, bồi hoàn đa dạng sinh học ở các dự án phát triển.

Lấy dẫn chứng từ công nhận các OECM ở các vùng sản xuất nông nghiệp: mô hình tôm-lúa ở ĐBSCL; mô hình xen canh cà phê-cây ăn quả tiết kiệm nước ở Tây Nguyên… ông Tú cho rằng, đây cũng là cơ hội để học hỏi từ các sáng kiến bảo tồn trong và ngoài hệ thống các khu bảo vệ.

Quan trọng hơn, OECM cũng mở ra cơ hội lớn về luật pháp và thể chế. Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước, trong đó bao gồm các khu vực OECM bên ngoài hệ thống khu bảo tồn. Trong thời gian tới, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua vào năm 2020, và Luật Đa dạng Sinh học cũng đang có kế hoạch sửa đổi, và đây là các cơ hội để định dạng OECM trong luật.

Cũng theo ông Tú, thời gian tới, các cuộc họp với các bộ ngành liên quan để thảo luận OECM sẽ được tiến hành cùng với việc nâng cao nhận thức về OECM trong các bên liên quan; Phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng khung pháp lý (quản trị) để công nhận và thúc đẩy các OECM tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiến hành một đánh giá quốc gia để xác định các OECM tiềm năng và xác định và vận động các chủ đất (nước) gần các khu bảo vệ có thể là các “OECM tiềm năng”.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: