Cuộc chuyển vị “vô tiền khoáng hậu”
Đến tận giờ khi nhớ lại hành trình chuyển vị trứng rùa lịch sử, anh Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển (BQL KBTB) Cù Lao Chàm vẫn không khỏi xúc động. Anh Vũ kể, ý tưởng phục hồi môi trường và bảo tồn loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi khu dự trữ sinh quyển thế giới được BQL “thai nghén” từ năm 2016.
Mất một thời gian để hoàn thiện hồ sơ báo cáo tỉnh, sau đó trình Bộ NN&PTNT phê duyệt đến đầu tháng 8/2017, Th.s Lê Xuân Ái và anh Nguyễn Văn Vũ dẫn đầu nhóm kỹ thuật của BQL KBTB, vượt quãng đường gần cả nghìn cây số từ Quảng Nam ra Côn Đảo để học tất tần tật từ ấp trứng, chăm sóc rùa và thực hiện cuộc chuyển vị trứng rùa lịch sử.
“Đó là cuộc chuyển vị đầy thử thách. Bản thân tôi người đàn anh – Lê Xuân Ái có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên nỗi gian nan mà mình vấp phải.”- anh Vũ nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Vũ cùng những chú rùa mới nở |
Đợt vận chuyển đầu tiên vào cuối tháng 8/2017 với số lượng 450 trứng đã được ấp tại Côn Đảo khoảng 40 ngày. Không chỉ là những khó khăn về thủ tục vì rùa biển thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật mà phương án làm sao để trứng rùa được an toàn trên suốt hành trình gần ngàn cây số cũng khiến mọi người đau đầu.
Hai phương án vận chuyển được thực hiện, một nhóm đi bằng đường hàng không với chặng bay từ Côn Đảo - Sài Gòn - Hội An; một nhóm đi tàu cao tốc từ Côn Đảo về Vũng Tàu và vận chuyển bằng ô tô về Hội An. Trứng rùa được giữ gìn, ôm ấp, bảo vệ đúng nghĩa “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Khi trứng về đến Cù Lao Chàm được đưa vào khu ấp trứng trên bãi Bấc (đã được chuẩn bị từ trước), các thành viên BQL KBTB và nhóm tình nguyện viên rùa biển ngày ngày chia nhau túc trực 24/24 giờ tại các khu ấp trứng để quan sát, canh đo nhiệt độ trong lòng ổ ấp trứng để kịp thời có các biện pháp xử lý tương thích với đặc điểm tự nhiên, sinh thái môi trường vùng Côn Đảo.
Và như để đền đáp những nỗ lực của tất cả, giữa tháng 9/2017, 90% trứng rùa đua nhau nở trong niềm vui khôn xiết của những người làm công tác bảo tồn và hàng nghìn cư dân ở hòn đảo bé nhỏ này. Với tỉ lệ này đã minh chứng tính khả thi của bảo tồn chuyển vị rùa biển ở cự ly xa.
Ở đâu xuất hiện rùa biển thì ở đó môi trường trong lành |
Từ đợt chuyển vị đầu tiên, 3 năm qua, gần 2.000 trứng rùa đã ấp nở ra hơn 1.700 chú rùa và được thả về đại dương ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam). Như một thói quen, cứ hễ nghe rùa nở, bà con lại í ới nhau ra chứng kiến khoảnh khắc những chú rùa con bò ra đại dương bao la. Hàng trăm ánh mắt đổ dồn theo từng bước di chuyển chậm chạp của rùa trên bờ cát trắng xóa. Ai cũng nuôi hy vọng mấy chục năm sau, những chú rùa kia “dạo chơi” khắp đại dương sẽ trở về sinh sản những thế hệ tiếp nối tại nơi chúng ra đi…
“Trong hệ sinh thái biển, rùa biển là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái biển, được xem như là sinh vật chỉ thị môi trường biển. Ở đâu xuất hiện rùa biển thì ở đó môi trường trong lành. Thả rùa non về biển chỉ là một phần, quan trọng nhất của dự án là chúng tôi muốn thấy rùa quay trở về đảo Cù Lao Chàm để đẻ trứng và sinh nở rùa non trong an toàn, yên tĩnh. Chỉ khi làm được như thế, những nỗ lực và công sức của chúng tôi mới thực sự có kết quả” - anh Vũ nói.
Gặp gỡ “vua rùa” Côn Đảo trên đất Cù Lao
3 năm trong hành trình chuyển vị rùa biển ở Cù Lao, hình ảnh người đàn ông đội mũ tai bèo, nói chất giọng lơ lớ miền Nam không còn xa lạ với cư dân nơi đây. Bà con ở Cù Lao vẫn thường gọi ông bằng cái tên đầy thân thuộc, trìu mến - ông Ái “rùa” khi nhắc về thạc sĩ Lê Xuân Ái – cố vấn kỹ thuật BQL KBBT Cù Lao Chàm, nguyên là Giám đốc VQG Côn Đảo và là vị chuyên gia đầu ngành về rùa biển.
Lật ngược dòng thời gian, ông Lê Xuân Ái (SN 1963) vốn quê ở Núi Thành, Quảng Nam. Năm 1984, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, chàng trai trẻ Lê Xuân Ái rời đất liền, khăn gói ra Côn Đảo. Hơn 2 thập kỷ gắn bó với quần đảo xa ngái, trong tâm trí của ông Ái lưu giữ đầy ắp vui buồn nhưng việc bén duyên với rùa biển, dốc sức bảo tồn loài động vật này có lẽ là kỷ niệm không thể nào xóa nhòa.
Chân dung "vua rùa" Côn Đảo - ông Lê Xuân Ái. |
Ông Ái kể, khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Côn Đảo, nhiều lần chứng kiến cảnh người dân cầm dao xẻ thịt, khai thác trứng rùa ồ ạt khiến ông không khỏi xót xa. “Cứu rùa trước khi quá muộn” - vị Giám đốc VGQ Côn Đảo thốt lên giữa muôn trùng con sóng bạc đầu.
Từ đề xuất của ông Ái, giữa năm 1995, chính quyền huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa. Kế hoạch bảo tồn rùa biển ngay lập tức được đích thân ông Ái soạn thảo và áp dụng. Ông Ái mạnh dạn đề xuất Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ dự án nhỏ về bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo. Đúng 1 năm sau (1996), WWF tài trợ cho đoàn cán bộ VQG Côn Đảo, trong đó có ông Ái sang Philippines để học cách bảo tồn rùa, san hô.
Khoảnh khắc thả rùa biển ở Cù Lao Chàm. |
Từ khóa học này đã mở ra cánh cửa để mọi người hiểu rằng, phải thuận theo tự nhiên, phải để rùa được vùng vẫy tự do, được sống ở môi trường biển cả thì mới có thể sinh sôi nảy nở. Điều đó càng được chứng minh rõ ràng, khi hoàn thành khóa học trở về, thả hàng nghìn con rùa biển cư ngụ ở VQG Côn Đảo ra khỏi bể nuôi, chỉ duy nhất có một con bò về hướng biển.
“Muốn rùa sinh sôi phải thuận theo tự nhiên, cứ để rùa vùng vẫy ngoài biển cả bao la. Phải ưu tiên dành những bãi cát xa khu dân cư, du khách không lui tới để rùa mẹ có thể lên bờ sinh sản. Theo thuộc tính, rùa rất kỵ tiếng ồn và ánh sáng. Đó là lý do vì sao rùa không bao giờ tìm đến những môi trường như vậy để đẻ trứng”, ông Ái chia sẻ.
Những chú rùa con được ấp nở ở đảo Cù Lao Chàm bò ra đại dương. |
21 năm gắn bó với Côn Đảo, ông Lê Xuân Ái góp công to lớn trong công cuộc biến quần đảo này trở thành “thiên đường” sinh sôi của rùa biển. Còn 4 năm trở lại đây, ông Ái “rùa” đang tiếp tục viết tiếp chương mới trong hành trình bảo tồn rùa biển trên chính quê hương của mình. Ngay tại Cù Lao Chàm – hòn đảo hoang sơ ở Quảng Nam vẫn đang miệt mài với công cuộc bảo tồn rùa biển quý hiếm.
Theo Báo TN&MT