Diễn biến và công tác dự báo phục vụ cơn bão số 1 (CHABA)

Đăng ngày: 02-07-2022 | Lượt xem: 3078
Sáng 2/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã báo cáo Diễn biến và công tác dự báo phục vụ cơn bão số 1 (CHABA). Trung tâm đặc biệt lưu ý những tác động của bão số 1 và tình hình mưa lớn, gió mạnh.

Sáng ngày 28/6 một vùng áp thấp ở khu vực phía Đông của Lu-Dông (Philippin) di chuyển vào biển Đông, đến tối ngày 28/6 vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; sáng ngày 30/6 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 có tên quốc tế là CHAMBA, sau khi thành bão, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đến sáng nay cường độ bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), ở khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Tại trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Đường đi của bão số 1

Dự báo trong chiều nay (02/7) bão số 1 đổ bộ vào khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h, đến đêm nay và sáng mai khi tâm bão ở khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây, cường độ suy yếu xuống còn cấp 8, sau đó bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc đi sâu vào đất liền, suy yếu thành vùng áp thấp và tan trên đất liền khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); khả năng lệch về phía Tây của bão số 1 và đi vào đất liền của Việt Nam là thấp.

Dự báo các tác động của bão số 1

Trên biển:

- Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động rất mạnh. Nguy cơ sóng lớn kết hợp triều cường gây ngập úng ở vùng trũng, thấp ở khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Ảnh hưởng của gió mạnh có khả năng làm mất an toàn cho hoạt động của tàu, thuyền trên biển (nhất là tàu du lịch hiện được đáng giá là khá nhộn nhịp ở khu vực Đông Bắc), ảnh hưởng và làm mất an toàn đến người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

- Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Trên đất liền:

- Gió mạnh: Bão số 1 ít có khả năng gây gió mạnh trên đất liền

- Mưa lớn: Từ chiều tối và đêm nay (02/7) đến ngày 03/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 200mm. Từ ngày 04-07/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

- Lũ quét, sạt lở đất: Đây vẫn là nguy hiểm chính do mưa bão số 1 cũng như các đợt mưa lớn thời gian tới, trong đó Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 03 tỉnh cần đặc biệt chú ý trong cơn bão số 1 này. Rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở, vì vậy kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh.

Công tác chỉ đạo, điều hành

Ngày 27/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (sau đây gọi là Trung tâm) ban hành công văn số 395/DBQG-DBTT gửi Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định tình hình thiên tai trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, trong đó dự báo sớm về khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão từ ngày 29/6-02/7; tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; gió mạnh trên Biển Đông. Ngay sau đó, các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được chuyển đến các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình để truyền tải rộng rãi.

Ngày 28/6, Tổng cục KTTV ban hành công văn số 815/TCKTTV-QLDB yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục cục theo dõi, dự báo sát mọi diễn biến và tác động của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… và tác động của các thiên tai đến Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn và Lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.

Sáng 27/6, ban hành bản tin đầu tiên về thời tiết nguy hiểm trên biển, trong đó dự báo vùng áp thấp ở ngoài Biển Đông có khả năng đi vào Biển Đông, hoạt động mạnh dần lên. Tối 28/6, ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, dự báo hướng về phía đảo Hải Nam Trung Quốc và có khả năng mạnh lên. Sáng ngày 30/6, ban hành tin bão trên biển đông, cơn bão số 1 năm 2022. Dự báo bão tiếp tục có xu hướng mạnh lên, di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sáng ngày 01/7, ban hành tin bão khẩn cấp, trong đó chú trọng cảnh báo gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, khả năng xảy mưa lớn ở đất liền (đặc biệt ở các tỉnh Đông Bắc).

Các Đài KTTV khu vực, tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, những tác động có thể ở địa phương và tham mưu cho Lãnh đạo các tỉnh/thành phố để có phương án chỉ đạo, điều hành ứng phó.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, lũ gây ra trong mùa lũ năm 2022, bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hiện trạng nguồn nước các hồ và trên các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3256/BTNMT ngày 13/6/2022 đôn đốc các Bộ ngành địa phương, đặc biệt là các chủ hồ chứa trong việc nghiêm túc thức hiện quy trình, cung cấp thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng để kịp thời chỉ đạo điều hành các hồ trong trường hợp xảy ra mưa lũ. Đối với các địa phương, cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố, các chủ hồ trên địa bàn và trên toàn lưu vực đảm bảo an toàn, phát huy hơn hiệu quả cắt giảm lũ và cấp nước hạ du theo quy định của quy trình liên hồ. Đặc biệt chỉ đạo tổ chức tốt công tác phối hợp cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, quan trắc khí tượng thủy văn tại các trạm cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trên lưu vực đảm bảo thực thi hiệu quả trong tổ chức điều hành vận hành liên hồ chứa. Đây là điểm hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả cắt, giảm lũ cho hạn du các hồ.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: