Những bước tiến mới trong công tác dự báo, cảnh báo hải văn

Đăng ngày: 29-08-2024 | Lượt xem: 324
Trong 05 năm trở lại đây, công tác dự báo, cảnh báo hải văn đã có những bước tiến mới. Trước năm 2017, dự báo hải văn chỉ thực hiện cho hai yếu tố sóng biển và nước dâng do bão.

Đến thời điểm hiện tại, được sự đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) thông qua các Dự án hợp tác quốc tế và Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, lĩnh vực hải văn đã tiến hành triển khai dự báo nghiệp vụ cho tất cả các yếu tố hải văn theo quy định, cụ thể gồm các yếu tố: Thủy triều, sóng biển, dòng chảy biển, nước dâng do bão và nước dâng do gió mùa. Ngoài ra, khi có sự cố, tai nạn trên biển cũng như cung cấp thông tin chuyên đề theo yêu cầu, các thông tin dự báo về lan truyền vật thể trôi, chất ô nhiễm và truy vết vật thể lạ (tầu, thuyền, người, vật thể, chất ô nhiễm trên biển) đã được cung cấp cho một số đơn vị theo yêu cầu như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam, Cục Cứu hộ Cứu nạn để phục vụ tác nghiệp.

Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) thu thập số liệu. (ảnh minh họa)

Hoạt động dự báo thời tiết biển, văn biển không chỉ chú trọng cho vùng biển ven bờ mà đã hướng tới những vùng biển xa bờ với mục đích vừa khẳng định chủ quyền biển đảo, an ninh hàng hải của Việt Nam vừa phục vụ hoạt động lưu thông, đánh bắt xa bờ. Dịch vụ cung cấp sản phẩm dự báo khí tượng thủy văn biển thông qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) không chỉ cung cấp thông tin về dự báo khí tượng thủy văn biển cho các tàu của Việt Nam mà cả những tàu nước ngoài đang hoạt động trên Biển Đông. Bên cạnh dự báo phục vụ ngư dân ven biển trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản, thông tin dự báo khí tượng thủy văn biển cũng đã góp phần hiệu quả trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm và phục vụ điều tra thông qua các bản tin dự báo thời tiết, hải văn, lan truyền chất ô nhiễm và vật thể trôi trên biển.

Bên cạnh sử chủ động vào cuộc của các cấp chính quyên, những thông tin dự báo, cảnh báo KTTV biển kịp thời và có độ tin cậy đã góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và của trên biển và vùng ven bờ khi thiên tai sảy ra so với những năm trước đây.

Hiện tại, Việt Nam đang ứng dụng các công nghệ dự báo hiện đại mà các nước tiên tiến đang dùng vào dự báo. Đó là các công nghệ dựa trên mô hình toán, thay thế phương pháp dự báo thống kê, kinh nghiệm trước đây. Chúng ta có mô hình dự báo thời tiết biển, dự báo sóng biển, thuỷ triều, dòng hải lưu, nước dâng do bão, atnđ, gió mùa. Chúng ta cũng có cả mô hình dự báo quỹ đạo lan truyền chất ô nhiễm, vật thể trôi trên biển như dầu, tầu/thuyền, người, rác thải để phục vụ tìm kiếm, ứng phó trong những sự cố, tai nạn trên biển.

Ảnh minh họa: Lắp đặt Trạm rada thời tiết tại Đảo Hòn Tre, Nha Trang

Ngoài ra, cũng như các nước phát triển trên thế giới, Tổng cục KTTV đang triển khai một số nghiên cứu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dự báo thời tiết biển, hải văn, như dự báo sóng biển và nước dâng do bão bằng phương pháp học máy. Những nghiên cứu này sẽ được triển khai vào dự báo nghiệp vụ trong tương lai gần sau khi có đánh giá về hiệu quả của công nghệ.

Lĩnh vực dự báo hải văn đã triển khai một số đề tài nghiên cứu, từ cấp quốc gia tới cấp Bộ Tài nguyên Môi trường để phục vụ dự báo, cảnh báo và nâng cao trình độ dự báo viên. Tất cả các đề tài được đánh giá từ mức đạt trở lên và sản phẩm của đề tài đang được ứng dụng trong dự báo nghiệp vụ và đào tạo dự báo viên. Tuy nhiên, do hạn chế số liệu quan trắc trên biển và năng lực tính toán nên độ chi tiết cũng như việc kiểm chứng độ tin cậy của các công nghệ dự báo vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, còn nhiều hiện tượng hải văn nguy hiểm chưa được nghiên cứu xác định nguyên nhân, ngoài ra, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về độ tin cậy dự báo, thời hạn dự báo và đa dạng hoá thông tin dự báo, dự báo hải văn vẫn cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn, theo nhiều hướng nghiên cứu mới đang được triển khai trên thế giới như công nghệ AI.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: