Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo mưa lớn

Đăng ngày: 23-09-2022 | Lượt xem: 1866
Tổng cục Khí tượng Thủy văn vừa ban hành công văn số 1200/TCKTTV-QLDB ngày 22 tháng 9 năm 2022 về việc tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo mưa lớn từ ngày 22 đến 24/9 sắp tới.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ trong những ngày tới.

Dự báo từ ngày 22/9 đến ngày 24/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến ở khu vực từ Thanh HóaQuảng Trị từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; Thừa Thiên Huế lượng mưa phổ biến từ 70-120 mm, có nơi trên 150 mm. Cảnh báo mưa to đến rất to ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng kéo dài đến ngày 25/9. Sau đó, các khu vực kể trên sẽ có khả năng xuất hiện thêm đợt mưa lớn từ ngày 27/9 đến 29/9 với xác suất 60-70%.

Để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai, Tổng cục KTTV yêu cầu:

1. Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia: Thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của mưa lớn; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

2. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chủ trì công tác dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh để cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương; chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến; tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của thiên tai nguy hiểm.

3. Trung tâm Quan trắc KTTV: Theo dõi, giám sát và bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc KTTV hoạt động bình thường. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và các Đài KTTV khu vực bảo đảm hoạt động, truyền số liệu từ các trạm quan trắc KTTV, đo mưa tự động phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

4. Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV: Duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.

5. Đài Khí tượng cao không: Chủ trì, phối hợp với các Đài KTTV khu vực có liên quan bảo đảm quan trắc khí tượng cao không và Rađa thời tiết; phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV bảo đảm thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời số liệu vệ tinh khí tượng đến Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo KTTV.

6. Liên đoàn Khảo sát KTTV: sẵn sàng phương tiện, thiết bị, các phương án đo đạc phục vụ điều tra, khảo sát khi có yêu cầu.

7. Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh:

- Chỉ đạo các trạm KTTV trực thuộc triển khai phương án quan trắc; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống phục vụ tốt công tác dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm bảo đảm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.

- Chỉ đạo Phòng Dự báo và các Đài KTTV tỉnh trực thuộc theo dõi, dự báo sát mọi diễn biến và tác động của mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… và tác động của các thiên tai đến Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn và Lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Đồng thời, gửi bản tin về Tổng cục KTTV theo quy định để phục vụ công tác đánh giá chất lượng dự báo.

- Thu thập thông tin chi tiết về các hoạt động dân sinh, kinh tế, xã hội, các công trình nhạy cảm có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn các tỉnh. Cung cấp kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo tác động chi tiết cho khu vực nhạy cảm, các công trình dân sinh, kinh tế xã hội, các khu vực chịu ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh cho các Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn cũngnhư Lãnh đạo và nhân dân các tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

8. Văn phòng Tổng cục KTTV triển khai phương án tuyên truyền để phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; theo dõi chặt chẽ, cập nhật đầy đủ các thông tin về tình hình thiên tai và công tác phòng, chống trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Tổng cục và chia sẻ cho các đơn vị trực thuộc.

9. Vụ Quản lý dự báo KTTV: theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác dự báo của các đơn vị trong hệ thống cảnh báo, dự báo KTTV quốc gia, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: