Dự báo diễn biến lũ năm 2021 và nhận định ban đầu về nguồn nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 25-08-2021 | Lượt xem: 10485
Ông Hoàng Văn Đại nhận định, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay đến sớm và ở mức cao hơn TBNN, khả năng tương đương mùa khô năm 2020-2021, 2016-2017, không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

1. Xin Trung tâm cho biết tình hình KTTV trên lưu vực Sông Mê Công đến thời điểm này như thế nào?

Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết:

1.1. Tình hình mưa

Theo số liệu quan trắc, tổng lượng lượng mưa từ ngày 1/6/2021 đến 20/8/2021 trên khu vực sông mê công như sau:

Thượng lưu: Cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN thời kỳ 2012-2020) từ 15-20% và cao hơn từ 20-30% so với năm 2019.

Trung lưu: Thấp hơn TBNN 10-20%, cao hơn năm 2019 từ 30-40%.

Hạ lưu: Thấp hơn TBNN từ 25–35%, thấp hơn năm 2019 từ 10-20%.

Khu vực ĐBSCL: Thấp hơn TBNN từ 30-50%. 

1.2. Tình hình thủy văn

Từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7/2021, mực nước trên sông Mê Công biến đổi chậm, xuất hiện một đợt lũ nhỏ trên sông Mê Công, biên độ lũ lên tại các trạm trên dòng chính từ 2-5m, đỉnh lũ tại các trạm ở mức thấp, sau đó xuống dần.

Hiện tại (19/8), mực nước tại các trạm phổ biến thấp hơn từ 0,8-3,5m so với TBNN, nhưng cao hơn từ 0,9-2,1m so với cùng kỳ năm 2019. Các trạm ở trung lưu ở mức thấp hơn từ 0,1-1,0m, các trạm ở hạ lưu ở mức cao hơn từ 0,1-0,6m; mực nước tại trạm Kompongluong (Biển Hồ-Campuchia) thấp hơn TBNN 1,61m và cao hơn năm 2019 là 0,84m.

Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu nhỏ hơn TBNN khoảng 21% (21 tỷ m3); nhưng vẫn lớn hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 34% (20 tỷ m3).

Mực nước trạm Kratie (Campuchia) trong mùa lũ năm 2021.

Tổng lượng dòng chảy tại trạm Kratie (Campuchia) trong mùa lũ năm 2021

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều, hiện tại mực nước tại trạm Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn TBNN từ 0,8-1,1m và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,15-0,2m.

Mực nước trạm Kompongluong (Biển Hồ) Campuchia trong mùa lũ năm 2021.

Mực nước trạm Tân Châu trong mùa lũ 2021

2. Xin Trung tâm cho biết những nhận định ban đầu về diễn biến tình hình KTTV lưu vực Sông Mê Công và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long?

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết:

2.1. Hiện tượng ENSO

Dự báo nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO3.4) có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong các tháng từ nay cho tới những tháng đầu năm 2022.

2.2. Dự báo mưa từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022

Thượng lưu sông Mê Công: Tổng lượng mưa (TLM) phổ biến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 15-30%, riêng tháng 9,10/2021 có khả năng cao hơn TBNN từ 15-30%.

Trung lưu sông Mê Công: Tổng lượng mưa (TLM) tháng 9 ở mức xấp xỉ TBNN, tháng 10-11/2021 phổ biến cao hơn so với TBNN từ 20-40%, từ tháng 12/2021-2/2022 TLM cao hơn TBNN từ 10-25%.

Hạ lưu sông Mê Công: Từ tháng 10/2021-01/2022 TLM đều có xu hướng cao hơn TBNN từ 15-30%, riêng tháng 9/2021 và tháng 02/2022 TLM xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Từ tháng 9/2021 đến tháng 02/2022, TLM phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-40%. Mùa mưa tại khu vực có khả năng kết thúc muộn, trong những tháng mùa khô có thể xuất hiện mưa trái mùa.

Dự báo nhiệt độ bề mặt biển khu vực NINO 3.4 từ tổ hợp các mô hình và dự báo xác suất ba pha đối với ENSO

2.3. Dự báo lũ năm 2021ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Đỉnh lũ năm 2021 tại đầu nguồn sông Cửu Long (trạm Tân Châu và Châu Đốc) dao động ở mức báo động (BĐ)1 và xuất hiện muộn (khoảng giữa tháng 10/2021); mực nước đỉnh lũ các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long.

3. Xin ông cho biết thời điểm tháng 9/2018 Trung tâm đã đưa ra những nhận định về tình hình nguồn nước lưu vực sông Mê Công và đưa những dự báo sớm về hạn hán xâm nhập mặn cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vậy năm nay Trung tâm có Nhận định sớm về nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022?

Chia sẻ về nhận định tình hình nguồn nước lưu vực sông Mê Công, ông Hoàng Văn Đại cho biết:

Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5-10% so với TBNN, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15-25%. Tổng lượng nước về ĐBSCL (tính đến trạm Kratie) khoảng 83 tỷ m3, thiếu hụt so với TBNN khoảng  2,5 tỷ m3.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và ở mức cao hơn TBNN, khả năng tương đương mùa khô năm 2020-2021, 2016-2017, không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai và bảo đảm đời sông, sản xuất trong khu vực trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.

 

Dự báo ranh mặn 4g/l trong mùa khô năm 2021-2022.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: