Tiêu chuẩn quốc gia công trình quan trắc khí tượng thủy văn: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông

Đăng ngày: 22-08-2024 | Lượt xem: 1195
“Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) Công trình quan trắc khí tượng thủy văn - Phần 8: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông” là tài liệu giải thích về mục đích, ý nghĩa thực tiễn, tính khả thi và tóm tắt nội dung của Tiêu chuẩn này. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định một cách xác đáng và trên cơ sở đó cơ quan quản lý có quyết định đúng đắn về việc công bố, ban hành và áp dụng.

Mục đích xây dựng TCVN “Công trình quan trắc khí tượng thủy văn - Phần 8: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông” nhằm nâng cao chất lượng trong lĩnh vực quan trắc lưu lượng chất lơ lửng nước sông cũng như tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Ý nghĩa của Tiêu chuẩn:

Đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan: Góp phần hoàn thiện cơ sở hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quan trắc lưu lượng chất lơ lửng nước sông nói riêng và nâng cao chất lượng điều tra cơ bản khí tượng thủy văn nói chung.

Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu: Góp phần tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo kỹ thuật, nâng cao chất lượng điều tra cơ bản khí tượng thủy văn.

Đối với kinh tế - xã hội và môi trường: TCVN “Công trình quan trắc khí tượng thủy văn - Phần 8: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông” nhằm nâng cao chất lượng tài liệu, hiệu quả công tác, cung cấp các căn cứ có tính thực tiễn, khoa học cho công tác quyết định đầu tư, xây dựng công trình, quy hoạch phát triển tự động hóa quan trắc tại trạm thủy văn và các yêu cầu cụ thể về công trình, thiết bị, phương pháp lắp đặt và vận hành trạm tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông.

Tính khả thi của TCVN:

TCVN “Công trình quan trắc khí tượng thủy văn - Phần 8: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông” là nhu cầu cần thiết đối với công tác tự động hóa ngành KTTV nói chung, công tác tự động hóa quan trắc Thủy văn và đo lưu lượng chất lơ lửng nói riêng.

Tiêu chuẩn này được ban hành, không những được áp dụng ngay trong ngành KTTV tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông mà còn giúp chuẩn hóa công tác quan trắc lưu lượng chất lơ lửng nước sông trong phạm vi cả nước.

Tại các nước phát triển, công tác quan trắc thủy văn, đã phát triển ở giai đoạn cao, công tác tự động đo và truyền số liệu thời gian thực là phổ biến.

Ở nước ta hiện nay (2024), các trạm Thủy văn tự động đã đo và truyền số thời gian thực phát triển khá nhiều. Trong số đó, phần lớn là đo và truyền số liệu thời gian thực đối với yếu tố mực nước (45%), phần còn lại là công tác quan trắc lưu lượng nước và hàm lượng chất lơ lửng tự động đã có một số trạm lắp đặt thiết bị tự động nhưng chỉ chiếm khoảng 8% (trạm tài nguyên nước). Tỷ lệ phát triển tự động hóa đo đạc các yếu tố Thủy văn trên mạng lưới trạm, có sự chênh lệch như đã nêu trên, không hẳn do công tác quan trắc yếu tố mực nước tương đối dễ dàng, kém phức tạp hơn quan trắc các yếu tố lưu lượng nước, lưu lượng chất lơ lửng mà phần chính là nhờ có đầy đủ hệ thống văn bản hướng dẫn, quản lý, tiêu chuẩn với đầy đủ nội dung, căn cứ để áp dụng khi thực hiện. Trong khi, công tác quan trắc lưu lượng chất lơ lửng lại rất phức tạp, việc tự động hóa nó, có thể nói là công việc khó, nhưng lại còn thiếu các nội dung quy định, hướng dẫn thực hiện. Đây, cũng có thể là nguyên nhân không nhỏ làm chậm lộ trình phát triển tự động hóa quan trắc yếu tố lưu lượng chất lơ lửng.

Dự thảo TCVN Công trình quan trắc khí tượng thủy văn - phần 8: Lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông, không kể phần mở đầu và tài liêu tham khảo, gồm 08 nội dung và 02 phụ lục, tóm tắt như sau:

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa 

4. Các yêu cầu đối với hệ thống thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông. Trong đó, được phân chia thành 04 loại, đó là: Thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông; Bộ phận lưu trữ và truyền nhận dữ liệu; Bộ phận chống sét; Nguồn điện.

5. Vị trí lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông Trong đó, gồm 03 phần: Yêu cầu về đoạn sông; mặt cắt ngang và yêu cầu về điểm đo hàm lượng chất lơ lửng tự động;

6. Công trình lắp đặt thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông. Trong đó, được chia thành 02 phần là: Bộ phận kết cấu hạ tầng và bộ phận lắp đặt thiết bị đo.

7. Lắp đặt hệ thống thiết bị tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông. Trong đó, bố trí thành 04 phần: Yêu cầu chung đối với công tác lắp đặt; Các yêu cầu chi tiết đối với lắp đặt từng loại thiết bị trong hệ thống; Công tác đấu nối các thiết bị vào hệ thống; Công tác kiểm tra, xác lập số liệu cho hệ thống.

8. Vận hành trạm tự động đo hàm lượng chất lơ lửng nước sông. Trong đó, bố trí thành 04 mục: Quy định về chế độ vận hành trạm đo; Các quy định về chế độ kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế và bảo quản linh kiện, thiết bị; Các quy định đối với công tác đo đồng thời; Một số quy định khác để đảm bảo chất lượng trạm đo.

/upload/files/du-thao-tcvn-12635-8-2024-cong-trinh-qt-phan-8-19-8-24.pdf

/upload/files/thuyet-minh-du-thao-tcvn-cong-trinh-quan-trac-kttv-phan-8-19-8-24.pdf

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: