Châu Âu đối mặt hạn hán

Đăng ngày: 01-03-2023 | Lượt xem: 2886
Một đợt nắng nóng giữa mùa đông, lượng mưa thấp kỷ lục và tình trạng thiếu tuyết đáng kinh ngạc ở châu Âu đang đẩy các con sông, kênh và hồ trên khắp lục địa xuống mức thấp báo động.

Sông, hồ ở nhiều thành phố của châu Âu đang cạn kiệt. Ảnh: CNN.

Sông, hồ ở nhiều thành phố của châu Âu đang cạn kiệt. Ảnh: CNN.

Hình ảnh những lòng sông khô cạn và những hồ nước bị thu hẹp thường gắn liền với cái nóng như thiêu đốt của mùa hè chứ không phải mùa đông. Thế nhưng, khởi đầu năm mới ấm áp và khô hạn bất thường đang ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của châu Âu, bao gồm miền Trung và Tây Nam nước Pháp, miền Bắc Tây Ban Nha và miền Bắc Italy.

Hạn hán kỷ lục ở Pháp và Italy

Tại Pháp - quốc gia đang trải qua thời kỳ khô hạn nhất trong hơn 60 năm - có thể sớm đưa ra các hạn chế về nước. Ông Simon Mittelberger - một nhà khí hậu học tại Météo-France – chia sẻ với CNN, đất nước này “đã trải qua chuỗi 32 ngày liên tiếp không có lượng mưa đáng kể, cụ thể từ ngày 21/1 đến ngày 21/2”.

Ông Mittelberger cho biết, tình trạng thiếu mưa đang có tác động tiêu cực đến các sông và hồ cũng như đất đai của đất nước. “Đất khô hơn nhiều so với bình thường. Pháp sẽ không ghi nhận được độ ẩm của đất cho đến giữa tháng 4 năm nay” – ông Mittelberger nói.

Theo ông Mittelberger, lượng tuyết rơi cũng thấp. Dãy núi Pyrenees gần đạt mức kỷ lục về lượng tuyết rơi thấp nhất vào cùng thời điểm trong năm. Theo Tổ chức nghiên cứu CIMA, dãy núi Alps đã có ít tuyết hơn 63% so với bình thường.

Việc thiếu tuyết vào mùa đông có thể đe dọa nguồn dự trữ nước vào mùa xuân và mùa hè, vì tuyết tan ít hơn để duy trì các dòng sông. Mùa hè năm ngoái, Pháp đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, nhưng ông Mittelberger cảnh báo, năm nay “tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn nếu không có lượng mưa đáng kể trong vài tháng tới”.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp, ông Christophe Béchu gọi đợt hạn hán mùa đông năm nay là “chưa từng có” và cảnh báo đất nước đang trong tình trạng báo động.

Tương tự ở Italy, một số vùng nước nổi tiếng nhất của đất nước cũng đang cạn kiệt. Hiện nay, mực nước ở hồ Garda thấp đến mức có thể đi bộ đến một hòn đảo ở giữa hồ, dọc theo một dải lòng hồ lộ thiên. Vài tháng trước, lối đi này không tồn tại.

Việc di chuyển bằng taxi nước ở Venice cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì một số kênh đào của thành phố đã trở nên quá cạn để giữ cho thuyền gondola nổi. Tình hình này một phần là do thiếu mưa. Một thành phố từ lâu luôn lo sợ lũ lụt giờ đang vật lộn với vấn đề ngược lại- hạn hán.

Con sông dài nhất của Italy, sông Po - chảy qua vùng trung tâm nông nghiệp phía Bắc nước này - có lượng nước ít hơn 61% so với thường lệ. Mùa hè năm ngoái, chính phủ Italy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với khu vực xung quanh sông Po - nơi đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua.

Ông Giorgio Zampetti, Tổng Giám đốc của Legambiente - một nhóm môi trường của Italy - lo ngại rằng, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. “Năm 2023 mới bắt đầu, nhưng nó đang cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về các hiện tượng thời tiết cực đoan và mức độ hạn hán” - ông Zampetti nói trong một thông cáo báo chí.

Nỗi lo nguồn nước

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo được công bố vào tháng 1 năm nay – nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích nguồn nước ngầm trên thế giới - tình hình nguồn nước của châu Âu đã trở nên “rất bấp bênh”.

Ông Torsten Mayer-Gürr - một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu - cho biết: “Một vài năm trước đây, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng nước sẽ là một vấn đề ở châu Âu. Chúng tôi thực sự đang gặp vấn đề với nguồn cung cấp nước. Cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này”.

Tại Tây Ban Nha - nơi đã trải qua một năm nóng nhất được ghi nhận vào năm ngoái – cũng đang có những lo ngại về nguồn cung cấp nước. “Chúng tôi không thể đảm bảo nguồn cung cấp nước cho nhu cầu nước uống hoặc cho các mục đích kinh tế chỉ dựa vào mưa” – bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Quốc gia này đã phê duyệt kế hoạch đầu tư khoảng 24 tỷ USD vào quản lý nước, bao gồm các biện pháp cải thiện vệ sinh và xử lý nước cũng như hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu. Kể từ năm 1980, lượng nước trung bình sẵn có đã giảm 12%, trong khi các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, nó có thể giảm thêm tới 40% vào năm 2050.

Trong khi châu Âu trước đó đã bị tàn phá bởi hạn hán mùa hè, các chuyên gia lo ngại tình trạng khô hạn đặc biệt trong 2 tháng qua có thể báo hiệu một thực tế mới, một phần do nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên.

Ông Andrea Toreti - nhà khí hậu học tại Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, nói với CNN: “Những điều kiện này rất hiếm trong quá khứ, nhưng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi chế độ mưa ở châu Âu và khiến những điều kiện cực đoan này trở nên tái diễn và dữ dội hơn. Có một mối lo ngại ngày càng tăng do thiếu lượng mưa trong những tuần qua, cũng như nhìn lại đợt hạn hán tồi tệ trong năm 2022” - ông Torerti nói.

Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu cho biết, Pháp đang chuẩn bị đưa ra các hạn chế sử dụng nước ở các vùng của đất nước từ tháng 3. Theo ông Bechu, việc tưới tiêu đã từng bị hạn chế ở nhiều thành phố ở miền Nam đất nước nhưng thường xảy ra vào mùa hè chứ không phải mùa đông. Ông Bechu không nêu rõ các biện pháp khả thi nhưng tiết lộ, chúng sẽ là những biện pháp "mềm" và sẽ được áp dụng tùy từng trường hợp khi cần thiết ở một khu vực cụ thể để tránh phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp, cứng rắn hơn khi mùa hè đến gần.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-au-doi-mat-han-han-5711034.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: