Cộng đồng WMO hỗ trợ chuyển đổi khẩn cấp sang năng lượng sạch

Đăng ngày: 26-01-2024 | Lượt xem: 680
Ngày Quốc tế Năng lượng sạch được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 1 nhằm nâng cao nhận thức và tập hợp hành động nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch vì lợi ích của con người và hành tinh.

Năng lượng sạch rất quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho cộng đồng. Năng lượng là cốt lõi để giải quyết hai thách thức: không để ai bị bỏ lại phía sau và bảo vệ hành tinh, và năng lượng sạch là một giải pháp rất quan trọng.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết trong một thông điệp: “Một sự chuyển đổi công bằng, bình đẳng và khẩn cấp từ nhiên liệu hóa thạch bẩn sang năng lượng sạch là điều cần thiết để tránh tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất và thúc đẩy sự phát triển bền vững”.

Tổ chức Khí tượng Thế giới đóng một vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Tổ chức đang tăng cường hỗ trợ cho các dịch vụ tích hợp về thời tiết, nước và khí hậu, những dịch vụ rất quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng của chúng ta trước các tác động khắc nghiệt của thời tiết và biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: “Công việc của chúng tôi trong việc cung cấp dữ liệu chính xác về thời tiết, nước và khí hậu quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và thủy điện”. Theo bà “Năng lượng tái tạo là nền tảng không chỉ để chống biến đổi khí hậu mà còn đảm bảo an ninh năng lượng cho các thế hệ tương lai. Thật phấn khởi khi thấy những hiểu biết sâu sắc về khí tượng ngày càng được tích hợp vào quy trình lập kế hoạch năng lượng và ra quyết định, nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của các nguồn năng lượng tái tạo”.

WMO hợp tác với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) để thúc đẩy việc dự báo các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và thủy điện. Sự hợp tác này là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo hiện đang thống trị các nguồn cung cấp mới. Chỉ riêng năm 2022, 83% công suất mới là năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió chiếm phần lớn sự bổ sung. Theo báo cáo chung của IRENA và WMO, “Đánh giá năm 2022: Tiềm năng năng lượng và năng lượng tái tạo toàn cầu do khí hậu thúc đẩy, sự gia tăng như vậy là chìa khóa để đạt được các hệ thống năng lượng loại bỏ cacbon vào năm 2050”.

Phát triển bền vững

Vai trò của cộng đồng khí tượng trong quá trình chuyển đổi xanh là then chốt vì các nguồn năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và tác động của thời tiết khắc nghiệt cũng như sự biến đổi khí hậu tự nhiên. Ví dụ, biến động theo mùa và hàng năm đối với năng lượng gió ở nhiều quốc gia có thể lên tới 15%, trong khi đó đối với năng lượng mặt trời thì thấp hơn.

Việc lồng ghép khí hậu vào hoạt động, quản lý và quy hoạch các nguồn năng lượng phải được ưu tiên. Điều này có thể dẫn đến việc thiết lập Hệ thống cảnh báo sớm để giúp quản lý tốt hơn tải năng lượng, tài nguyên và bảo trì. Hơn nữa, điều này có thể cung cấp thông tin cho việc hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng, đồng thời kích hoạt sự đổi mới cần thiết về công nghệ, thị trường và chính sách.

Mục tiêu phát triển bền vững 7 (SDG 7), tập trung vào năng lượng sạch và giá cả phải chăng, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập năng lượng kinh tế, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại vào năm 2030. Hiện tại, những nỗ lực toàn cầu đang không đạt được mục tiêu SDG 7, khi 675 triệu người tiếp tục không được tiếp cận với nguồn điện đáng tin cậy và phải sống trong bóng tối. Vào tháng 4 năm 2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sẽ tiến hành Kiểm kê toàn cầu về Năng lượng bền vững để đánh giá những tiến bộ và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Biên dịch: Tạp chí KTTV

Nguồn: https://wmo.int/media/news/wmo-community-supports-urgent-transition-clean-energy

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: