Hệ thống quản lý tổng hợp tài nguyên nước và cảnh báo sớm về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở lưu vực Hồ Chad

Đăng ngày: 05-04-2022 | Lượt xem: 929
Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cùng các đối tác đang chuẩn bị một dự án thiết lập hệ thống giám sát thủy văn và cảnh báo sớm (EWS) để quản lý nước bền vững và phân nguồn nước hợp lý, công bằng cũng như chống lại các rủi ro thiên tai liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán ở lưu vực Hồ Chad

Dự án sẽ tìm cách cải thiện quản lý tài nguyên nước để có khả năng chống chịu khí hậu tốt hơn trong lưu vực, nơi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. WMO, Ủy ban lưu vực hồ Chad (LCBC) và Đối tác nước toàn cầu Trung Phi (GWP-CAf) là các đối tác trong dự án, với sự hỗ trợ của các nước thành viên (Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Niger và Nigeria).

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Lưu vực hồ Chad đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán, do đây là nơi rất phù hợp để triển khai dự án đề xuất.

Các thành viên tham gia trong Hội thảo khu vực tổ chức tại N’Djamena, Chad.

Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nhiệt độ không khí trong khu vực. Các hiện tượng cực đoan có thể sẽ trở nên nhiều hơn, gây ra hạn hán và lũ lụt thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và an ninh chung trong khu vực. Các hoạt động của dự án được đề xuất nhằm mục đích tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ Thủy văn, năng lực về con người và thể chế. Kết quả của dự án sẽ tạo tiền đề hiểu biết tốt hơn về tài nguyên nước nhằm phát triển khả năng chống chịu để thích ứng / giảm thiểu với biến đổi khí hậu (các mối nguy liên quan) từ cộng đồng đến cải thiện khả năng quản lý dựa trên phát triển bền vững.

Sự phản hồi của các bên liên quan

Một hội thảo khu vực kéo dài hai ngày được tổ chức vào ngày 21-22 tháng 2 năm 2022 tại N’Djamena, Chad. Mục đích của hội thảo là thiết lập một cuộc đối thoại giữa các bên liên quan chính và lấy ý kiến ​​của họ để hoàn thiện bản ghi chú. Những người hưởng lợi chính của dự án ở các quốc gia thuộc lưu vực Hồ Chad bao gồm Dịch vụ Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tổ chức quản lý thiên tai, các tổ chức khu vực, các nhóm phi chính phủ và cộng đồng. Sự kiện bao gồm hơn 30 người tham gia có mặt tại Chad và hơn 30 người tham gia trực tuyến.

Các bên liên quan đã đưa ra phản hồi có giá trị về tầm quan trọng về hoạt động dự án, đặc biệt là liên quan đến cộng đồng và sự tham gia của cấp địa phương, ví dụ, ngư dân và nông dân. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn và liên kết các cộng đồng dễ bị tổn thương và ngăn chặn xung đột cộng đồng. Các bên liên quan nhấn mạnh cam kết và quyền sở hữu của các quốc gia đối với tính bền vững của dự án cũng như sự sở hữu nguồn nước của các nhóm dễ bị tổn thương, phụ nữ, thanh niên và các tác nhân cấp địa phương tham gia dự án.

Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông về thiên tai và rủi ro khí hậu thủy văn cũng như tính đến nhu cầu của cộng đồng, tầm quan trọng của việc sử dụng các phương pháp truyền thông khác nhau, bao gồm cả bằng ngôn ngữ địa phương và sử dụng các công cụ thích hợp.

Mục tiêu dự án

Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và hệ thống cảnh báo sớm về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở lưu vực Hồ Chad” nhằm cung cấp cơ sở thủy văn cần thiết cho khả năng chống chịu với khí hậu và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực hồ Chad bằng cách đưa ra các hướng dẫn thực tế và các giải pháp kỹ thuật cụ thể.

Các mục tiêu chính của dự án:

• Xây dựng hệ thống thông tin nước hiệu quả thông qua việc thiết lập một mạng lưới hợp nhất các hệ thống quan trắc Thủy văn quốc gia, cung cấp dữ liệu thống nhất và tin cậy, được truyền vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khu vực trong thời gian thích hợp.

• Tăng cường các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn thông qua việc tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế của các Dịch vụ Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHSs) liên quan đến việc thu thập, xử lý dữ liệu, phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu của người dùng và cung cấp dịch vụ;

• Đào tạo và thông báo cho các cộng đồng dễ bị tổn thương về các rủi ro như lũ lụt và hạn hán, thông qua việc tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế của các dịch vụ quốc gia và phát triển một hệ thống EWS hoàn chỉnh.

• Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, phổ biến và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ và công cụ liên quan đến quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và bảo vệ tính mạng con người và tài sản trước các rủi ro liên quan đến nước;

• Tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu thông qua cải thiện quản lý kiến ​​thức về Hồ Chad và các phụ lưu của nó để cung cấp các dịch vụ khí hậu và khí tượng thủy văn thích ứng.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/integrated-water-resources-management-and-early-warning-system-climate-change-resilience

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: