Ngày Đại dương Thế giới: Cuộc sống và Sinh kế (phần 1)

Đăng ngày: 07-06-2021 | Lượt xem: 1672
Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh và sản xuất ít nhất 50% lượng oxy toàn cầu. Nó có tác động lớn tới thời tiết và khí hậu của chúng ta, là nơi sinh sống của hầu hết sinh vật trên trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người trên thế giới. Đại dương hay còn được gọi là “Nền kinh tế xanh”, ước tính tạo ra khoảng 3-6 nghìn tỷ USD/năm, chiếm hơn 3/4 thương mại thế giới và cung cấp sinh kế cho hơn 6 tỷ người.

“Đại dương: Sự sống và Sinh kế” là chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay vào ngày 8 tháng 6. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết trong một thông điệp: “Chúng ta có cơ hội và trách nhiệm trong thế giới này để điều chỉnh mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên - bao gồm cả biển và đại dương trên thế giới”.

Tổ chức Khí tượng Thế giới kỷ niệm chủ đề đại dương lần thứ hai trong năm nay với tên gọi “Đại dương, Khí hậu và Thời tiết” của chúng ta cũng là chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới vào ngày 23 tháng 3 vừa qua. Các hoạt động trong Ngày Đại dương Thế giới của WMO được thể hiện qua tài liệu video của WMO, do Đặc phái viên Đại dương của LHQ, Đại sứ Peter Thomson trình bày. Nội dung của video nêu bật vai trò quan trọng của đại dương trong thế giới của chúng ta, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và nhu cầu về các dịch vụ đại dương, khoa học và quan sát để bảo vệ cuộc sống trên biển và vùng ven biển. WMO cũng đã ra mắt trang thông tin về Đại dương: một điểm truy cập dễ dàng để tìm hiểu về các hoạt động đại dương khác nhau mà WMO đang thực hiện, để hỗ trợ các nước thành viên.

Báo cáo của WMO về “Tình trạng Khí hậu Toàn cầu 2020” nhấn mạnh sự gia tăng căng thẳng trên đại dương do hậu quả của biến đổi khí hậu. Đại dương hấp thụ khoảng 23% lượng CO2 do con người phát thải hàng năm vào bầu khí quyển và đóng vai trò như một vùng đệm chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, CO2 phản ứng với nước biển, làm giảm độ pH và dẫn đến axit hóa đại dương. Điều này làm giảm khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển. Quá trình axit hóa và khử oxy đại dương tiếp tục diễn ra, tác động đến các hệ sinh thái, sinh vật biển và nghề cá.

Đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ các hoạt động của con người. Năm 2019, chứng kiến ​​lượng nhiệt đại dương cao nhất được ghi nhận và xu hướng này có thể tiếp tục vào năm 2020. Tỷ lệ ấm lên của đại dương trong thập kỷ qua cao hơn mức trung bình trong dài hạn cho thấy sự hấp thụ nhiệt tiếp tục do khí nhà kính gây ra.

Hơn 80% diện tích đại dương đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng trên biển vào năm 2020. Tỷ lệ đại dương trải qua sóng nhiệt biển “mạnh” (45%) lớn hơn so với sóng nhiệt biển “vừa phải” (28%). Gần đây, nó đang tăng với tốc độ cao hơn một phần do sự tan chảy ngày càng nhiều của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực. Nhìn chung, mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng vào năm 2020.

Băng trên biển đang tan chảy, gây ra những tác động rất lớn đến phần còn lại của trái đất do thay đổi thời tiết khiến mực nước biển tăng lên. Vào năm 2020, mức tối thiểu băng tan trên biển hàng năm ở Bắc Cực là một trong những mức thấp nhất được ghi nhận, khiến các cộng đồng vùng Cực hứng chịu lũ lụt bất thường ven biển và các bên liên quan như vận tải biển và nghề cá trước những hiểm họa băng tan trên biển.

Trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc thảo luận cấp cao tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc vào ngày 1/6, Đại sứ Thomson nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học đại dương và khí hậu của WMO và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. “Đại dương đang axit hóa với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử hành tinh. Đại sứ Thomson cho biết sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, đối với nhiều hệ sinh thái và các loài ở Đại dương để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng như vậy. “Sự đóng góp to lớn của Đại dương trong việc giảm thiểu và thích ứng đối với Biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học là không thể phủ nhận; nhưng nếu chúng ta muốn nhận được những lợi ích đó thì việc bảo vệ sức khỏe của đại dương phải là trọng tâm hàng đầu”, ông cho biết thêm.

(Còn tiếp)

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/world-oceans-day-life-and-livelihoods

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: