Ra mắt báo cáo Hệ thống quan sát đại dương toàn cầu (Phần 1)

Đăng ngày: 20-09-2022 | Lượt xem: 1888
Báo cáo Hệ thống Quan sát Đại dương – báo cáo thường niên cấp cao cung cấp thông tin chi tiết sâu sắc về khả năng đánh giá và giá trị của Hệ thống Quan sát Đại dương Toàn cầu (GOOS) - vừa được phát hành.

Báo cáo Hệ thống Quan sát Đại dương GOOS được ra mắt với sự hợp tác của WMO, Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO) và các đối tác và chuyên gia, với sự hỗ trợ xuất bản từ trung tâm điều hành OceanOPS.

Báo cáo tập trung vào cách một mạng lưới quan sát đóng góp giá trị cho xã hội trên ba lĩnh vực là khí hậu, dịch vụ vận hành và chất lượng đại dương. Báo cáo tập trung làm nổi bật các quan sát vật lý, địa hóa sinh và lần đầu tiên là cả các quan sát sinh học, cung cấp một cái nhìn toàn cầu về tình trạng quan sát đại dương và xác định tiến trình, những thách thức và cơ hội chính để nâng cao hệ thống.

Báo cáo 2022 bao gồm một số lĩnh vực chính:

- Đánh giá chung về chất lượng của Hệ thống quan sát đại dương toàn cầu

- Theo dõi sự hấp thụ carbon của đại dương để cho phép dự báo mô hình khí hậu chính xác hơn

- Nâng cao dự báo ngập lụt ven biển và cảnh báo sớm

- Quan sát thực vật phù du – một nhân tố rất quan trọng để hiểu những thay đổi trong lưới thức ăn và sự thay đổi của sinh vật biển

- Sự tham gia của các cộng đồng thông qua các Chương trình kéo dài hàng Thập kỷ của GOOS

Mạng lưới quan sát đại dương

Bất chấp những tác động lâu dài của đại dịch và những thay đổi môi trường bất ngờ dẫn đến tăng chi phí để triển khai và duy trì mạng lưới quan sát, các bên liên quan của GOOS đang nỗ lực để khôi phục chất lượng quan sát trước đại dịch.

Báo cáo Hệ thống quan sát Đại dương toàn cầu cung cấp một cái nhìn về những thách thức và cơ hội chính để nâng cao hệ thống.

Hầu hết các hoạt động đang dần trở lại bình thường và tự động hóa đang tiếp tục hỗ trợ tăng cường khả năng phân phối dữ liệu. Tuy nhiên, một số khu vực và mạng lưới vẫn bị ảnh hưởng và GOOS đang xúc tác các cuộc thảo luận để giải quyết những bất cập này.

David Legler, Điều phối viên GOOS, cho biết: “Đầu tư liên tục và có mục tiêu vào quan sát đại dương là vô cùng quan trọng để đảm bảo việc mô tả các đặc điểm của đại dương đang thay đổi như thế nào, những thay đổi nào có thể xảy ra trong tương lai và cách con người  có thể giảm thiểu và thích ứng với hệ thống trái đất đang thay đổi” Vladimir Ryabinin, Thư ký điều hành tổ chức IOC, bày tỏ sự ủng hộ với sự phát triển của GOOS: “Tôi hy vọng hệ thống quan sát đại dương sẽ có thể phục hồi sau đại dịch, chịu được việc chi phí tăng do lạm phát và sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu sinh học và địa hóa sinh học mới, các quan sát ở vùng cực. Hợp tác quốc tế sẽ là nền tảng cho sự phát triển đó và IOC, tận dụng các cơ hội do Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc và Hội nghị Đại dương 2022 của Liên hợp quốc mang lại, sẵn sàng tạo điều kiện cho các nỗ lực liên tục nhằm hỗ trợ hệ thống quan sát đại dương”.

(Còn nữa)

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/global-ocean-observing-system-report-card-released

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: