Số vụ cháy rừng dự báo sẽ tăng 50% vào năm 2100

Đăng ngày: 04-04-2022 | Lượt xem: 758
Biến đổi khí hậu và thay đổi mục đích sử dụng đất được dự báo sẽ làm cho các đám cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, với sự gia tăng của các đám cháy cực lớn trên toàn cầu lên đến 14% vào năm 2030, 30% vào cuối năm 2050 và 50% vào cuối năm thế kỷ, theo một báo cáo mới.

Ngay cả Bắc Cực cũng phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng, theo báo cáo với tựa đề Ảnh hưởng của Cháy rừng: Mối đe dọa gia tăng của các vụ cháy cảnh báo bất thường của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và GRID-Arendal. Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các hiểm họa cháy rừng để tập trung vào việc phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng. Báo cáo được công bố trước khi bắt đầu Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc tại Nairobi vào ngày 28 tháng 2 và  trước thềm công bố báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu về tác động, thích ứng và tính dễ bị tổn thương.

Cháy rừng đang gia tăng ở các khu vực nó chưa từng xảy ra

Cháy rừng và biến đổi khí hậu có mối quan hệ chặt chẽ. Cháy rừng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu thông qua các vụ gia tăng hạn hán, nhiệt độ không khí cao, trong khi độ ẩm tương đối thấp, sấm chớp và gió mạnh dẫn đến mùa cháy nóng hơn, khô hơn và kéo dài hơn. Đồng thời, biến đổi khí hậu cũng trở nên tồi tệ hơn do cháy rừng, chủ yếu là do nó tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới. Điều này biến cảnh quan thành những nơi khô cằn và khiến việc ngăn nhiệt độ tăng cao trở nên khó khăn hơn.

Những năm gần đây đã chứng kiến ​​những mùa cháy rừng kỷ lục trên khắp thế giới từ Châu Úc, Bắc Cực đến Bắc và Nam Mỹ. Thiệt hại của những vụ cháy rừng này đã tăng rất mạnh ở những khu vực vốn không xảy ra cháy rừng. Những thiệt hại nặng nề nhất  được ghi nhận ở các khu vực chưa ​​từng có cháy rừng, chẳng hạn như Bắc Cực và Trung Âu. Các khu vực rừng nhiệt đới ở Indonesia và nam Amazon cũng có khả năng chứng kiến nhiều vụ cháy rừng và gây ra hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng hơn.

Cháy rừng đã hủy diệt động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của chúng, khiến một số loài động thực vật đến gần nguy cơ tuyệt chủng. Một ví dụ gần đây là trận cháy rừng năm 2020 ở Úc, ước tính đã quét sạch hàng tỷ động vật hoang dã và động vật đã thuần hóa. Theo báo cáo, dựa trên ý kiến của các nhà khoa học về Khí tượng Thủy văn của Anh, ngay cả khi khí nhà kính được giảm bớt, thì các vụ cháy rừng trên toàn thế giới cũng có thể gia tăng đáng kể.

Hoạt động của con người đang làm gia tăng các vụ cháy rừng trên toàn cầu

Các nhà khoa học tại Văn phòng Met và Trung tâm Sinh thái & Thủy văn Vương quốc Anh đã tiến hành mô hình hóa để dự đoán mức độ gia tăng các đám cháy rừng trong tương lai. Họ kết hợp các quan sát vệ tinh cập nhật nhất về cháy rừng, lớp phủ thực vật và điều kiện khí tượng với nhiều mô hình khí hậu, giúp các nhà khoa học đưa ra dự đoán về các đám cháy trong tương lai với độ tin cậy cao hơn nhiều so với trước đây.

Mặc dù cháy rừng là một quá trình tự nhiên và trong một số trường hợp, chúng là cần thiết cho một hệ sinh thái lành mạnh. Tuy nhiên, báo cáo này tập trung vào các đám cháy lớn và bất thường và chính sự thay đổi quy mô của các đám cháy rừng này đang gây ra nhiều mối lo ngại nhất. Dự báo, tần suất các vụ cháy cực mạnh trên toàn cầu có thể tăng lên tới 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/number-of-wildfires-forecast-rise-50-2100

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: