Vai trò của rừng Amazon và khả năng hấp thụ khí thải carbon (Phần 2)

Đăng ngày: 20-07-2021 | Lượt xem: 4380
Amazon có những khu rừng nhiệt đới lớn nhất Trái đất và đã được chứng minh là một bể chứa carbon quan trọng. Tuy nhiên, bể chứa carbon này dường như đang suy giảm do các nguyên nhân như phá rừng và biến đổi khí hậu, theo một bài báo mới được công bố trên tạp chí Nature.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Lucia Gatti, Trưởng nhóm, Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil/ Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất và là thành viên của ban chỉ đạo Hệ thống Thông tin Tích hợp Khí nhà kính Toàn cầu do WMO đứng đầu.

Trong cuộc chạy đua về phát thải ròng bằng không, nhiều quốc gia đang xem xét các dự án trồng rừng để tăng sự hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển.

Các bể chứa carbon chẳng hạn như sự hấp thụ carbon của sinh quyển trên cạn là một cơ quan điều chỉnh quan trọng của biến đổi khí hậu bằng cách loại bỏ một phần tư lượng carbon dioxide do con người thải vào khí quyển. Nếu các khu vực như Amazon trở thành nơi phát thải ròng, vì nạn phá rừng và hỏa hoạn, cũng như kết quả của biến đổi khí hậu, thì điều này có khả năng trở thành “điểm mấu chốt” trong sự thay đổi của hệ thống khí hậu. Do đó, điều này sẽ có những tác động sâu rộng trong việc làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhiệt độ.

Để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris đòi hỏi phải có sự cân bằng nhất định giữa các nguồn và lượng khí thải gây ra hiệu ứng khí nhà kính. Trong cuộc chạy đua về phát thải ròng bằng không, nhiều quốc gia đang xem xét các dự án trồng rừng để tăng sự hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển. Rừng nhiệt đới được coi là bể chứa CO2 cho đến nay, những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa tạo ra môi trường khắc nghiệt cho thảm phủ thực vật có thể biến chúng thành nguồn carbon. Khoảng một phần tư mức giảm thiểu năm 2030 được các quốc gia cam kết trong các khoản đóng góp do quốc gia xác định ban đầu (NDC) theo Thỏa thuận Paris dự kiến ​​sẽ đến từ các phương án giảm thiểu trên đất liền.

Báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu về đất đai cho biết: “Cùng với những thay đổi về khí hậu sẽ là sự xuất hiện của các vùng khí hậu nóng mới ở vùng nhiệt đới và gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các hiện tượng cực đoan (ví dụ như sóng nhiệt, mưa lớn hay hạn hán). Những vùng khí hậu nóng xuất hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc sử dụng đất (thông qua những thay đổi về năng suất cây trồng, nhu cầu tưới tiêu và thực hiện công tác quản lý) và độ che phủ đất thông qua việc mất diện tích che phủ thực vật ở nhiều nơi trên thế giới, và sẽ biến mất lợi ích đối với việc sử dụng đất và độ che phủ đất có được từ tăng nồng độ CO2 trong khí quyển”.

Theo bản tin của WMO’s Greenhouse Gas Bulletin, nồng độ CO2 trong khí quyển tiếp tục tăng lên mức kỷ lục và nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Mạng lưới Giám sát khí quyển toàn cầu của WMO, trải dài hơn 50 quốc gia, cung cấp các thông tin chính xác cho chúng tôi về nồng độ phát thải khí nhà kính, bao gồm nhiều nguồn, xả thải và thay đổi hóa học của chúng trong khí quyển.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/role-of-amazon-carbon-sink-declines-nature-study

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: