Việt Nam hơn 45 năm tham gia Tổ chức khí tượng thế giới

Đăng ngày: 17-03-2021 | Lượt xem: 2580
Ngày 23/3/1950, Tổ chức khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) với tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế (International Meteorological Organization – IMO, được thành lập năm 1873) đã lấy ngày 23 tháng 3 hàng năm làm ngày Khí tượng Thế giới. Việt Nam tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975.

Ngày nay, toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức gia tăng bởi sự căng thẳng với các vấn đề về thiên tai ngày càng khắc nghiệt như: bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…. Vai trò của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng như các hoạt động kỷ niệm ngày Khí tượng Thế giới càng có ý nghĩa hơn.

Tầm nhìn của WMO là cung cấp cho lãnh đạo trên thế giới những vấn đề chuyên môn và hợp tác quốc tế về thời tiết, khí hậu, thủy văn, tài nguyên nước và các vấn đề liên quan đến môi trường, góp phần vào sự an toàn và phúc lợi cho người dân trên toàn thế giới và vì lợi ích kinh tế và phát triển các quốc gia.

Mục đích của WMO là bảo đảm hợp tác quốc tế và tương trợ kĩ thuật trong việc thiết lập hệ thống các trạm quan trắc khí tượng, các trạm quan trắc vật lí địa cầu, trao đổi các thông tin về khí tượng, nhất thể hoá các quy tắc kỹ thuật về khí tượng…

Về cơ cấu tổ chức WMO bao gồm Đại hội đồng: Đại hội đồng gồm tất cả các thành viên của tổ chức bốn năm họp một lần tại trụ sở của WMO (Giơnevơ). Trưởng đoàn phải là người đứng đầu Cơ quan Khí tượng - Thuỷ văn quốc gia. Chức năng của Đại hội đồng là: đề ra các biện pháp chung nhằm thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của Tổ chức đã đề ra; xem xét các khuyến nghị của các nước thành viên về các vấn đề liên quan đến thẩm quyển của tổ chức; xem xét các báo cáo của Hội đồng Chấp hành, quyết định việc thành lập các Hội khu vực, các Uỷ ban kỹ thuật, các vấn đề về tài chính, ngân sách và pháp lý v.v; bầu Ban lãnh đạo của Tổ chức.

Các Hội khu vực: WMO có sáu tổ chức khu vực và được chia theo vị trí địa lý, cụ thể như sau:

Khu vực 1: châu Phi

Khu vực 2: châu Á

Khu vực 3: Nam Mỹ

Khu vực 4: Bắc và Trung Mỹ

Khu vực 5: Tây Nam Thái Bình Dương

Khu vực 6: châu Âu.

Tổ chức Khí tượng thế giới có 189 nước và lãnh thổ thành viên. Việt Nam tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới từ ngày 08 tháng 7 năm 1975. Đến nay Việt Nam tham gia WMO với tinh thần tích cực chủ động thực hiện và tăng cường vai trò nước thành viên của WMO thông qua việc: Thực hiện công tác phát báo quốc tế thường kỳ đảm bảo được nhiệm vụ chia sẻ số liệu tham gia WMO; Thực hiện cung cấp các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên tham gia Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á. Cử  Đoàn tham dự Hội thảo quản lý dự án của WMO do WMO tổ chức; tham dự Cuộc họp điều hành RAII và các Cuộc họp, Hội nghị về lĩnh vực KTTV theo hình thức trực tuyến; Kiện toàn hệ thống Đầu mối kỹ thuật của WMO; Cập nhật mạng lưới chuyên gia của Ban kỹ thuật WMO; Cung cấp số liệu khí hậu của 33 trạm phát báo quốc tế cho WMO để xuất bản trong Hồ sơ Thời tiết Thế giới (WWR).

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WMO

Hiện nay GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng là Phó chủ tịch, Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA II, có 35 quốc gia thành viên) từ tháng 10 năm 2019. Đây cũng là ghi nhận của WMO sau nhiều năm Việt Nam rất tích cực và lỗ lực tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ chức này. Khẳng định vai trò và trách nhiệm ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế đặc biệt về hoạt động KTTV.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: