Bộ TN&MT và FAO thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển bền vững

Đăng ngày: 14-01-2022 | Lượt xem: 3228
Chiều 14/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi tiếp và làm việc của với tân Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam Rémi Nono Womdim.

Cùng dự có Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) Lê Ngọc Tuấn; đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Quản lý đất đai, Văn phòng Bộ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Rémi Nono Womdim. Ảnh: Thanh Tùng

Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam Rémi Nono Womdim cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã dành thời gian tiếp Đoàn. Đồng thời, ông Rémi Nono Womdim cho biết, quản lý tài nguyên thiên nhiên là một trong những nội dung trọng tâm trong sứ mệnh của FAO. Hiến chương của FAO cũng khẳng định nhu cầu về quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững để phục vụ việc sử dụng hiệu quả cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Năm 2019, FAO và Bộ TN&MT đã ký kết Ý định thư về hợp tác giữa 2 bên trong 3 lĩnh vực lớn là quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng ứng phó nguy cơ và khủng hoảng của khu vực nông thôn, bao gồm các hoạt động về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai... Ông Rémi Nono Womdim cho rằng, Bộ TN&MT và FAO cần sớm đánh giá lại tiến độ, kết quả triển khai các nội dung trong Ý định thư giữa hai bên, từ đó, tìm kiếm các nội dung có thể tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, tháng 12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện phía Việt Nam đã ký với FAO Khung chương trình hợp tác quốc gia giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, có nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai.

FAO mong muốn Bộ TN&MT hỗ trợ trong việc thực hiện nội dung này và sớm thông qua hai Dự án về cảnh quan lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã, sông Cả và vùng ven biển liên quan.

Ông Rémi Nono Womdim cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm việc với FAO về 2 dự án mới là: Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án về an ninh nguồn nước khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tặng quà lưu niệm cho Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Rémi Nono Womdim. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng ông Rémi Nono Womdim nhậm chức Đại diện của FAO tại Việt Nam. Bộ TN&MT hy vọng ông Rémi Nono Womdim, với bề dày kinh nghiệm ngoại giao dày dặn và kiến thức sâu rộng về nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới giữa Bộ TN&MT và FAO.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam là hai bên cần đánh giá lại kết quả thực hiện các nội dung của Ý định thư đã ký kết. Về hai dự án “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã, sông Cả và vùng ven biển liên quan” và Dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép tham gia 2 dự án khu vực nêu trên.

Thời gian tới, đề nghị đầu mối Bộ TN&MT và FAO tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất các thủ tục phê duyệt 2 dự án nêu trên về phía Chính phủ Việt Nam làm cơ sở chính thức khởi động thực hiện 2 hoạt động nêu trên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các kết quả, đặc biệt là các cam kết tại COP26.

Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Bộ TN&MT mong muốn, FAO, bên cạnh các hoạt động hợp tác, cũng nghiên cứu, đề xuất các ưu tiên hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các chương trình, dự án, nhiệm vụ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam.

Về các lĩnh vực quản lý khác của Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Bộ đang tiến hành sửa Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị hồ sơ sửa Luật Tài nguyên nước năm 2012. Đề nghị FAO xem xét khả năng hỗ trợ nguồn lực tài chính và nguồn lực kỹ thuật hỗ trợ Bộ sửa hai luật quan trọng này.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, gần đây, Bộ TN&MT đã trao đổi cấp kỹ thuật với đầu mối của FAO về 2 đề xuất “Nghiên cứu mô hình quan trắc, giám sát chất lượng đất tại một số địa bàn trọng điểm về nông nghiệp của Việt Nam” và đề xuất “Thí điểm đề xuất và thực hiện giải pháp quy hoạch sử dụng đất đặc thù đối với đất nông, lâm nghiệp tại Việt Nam”. Thời gian tới, đề nghị đầu mối của Bộ là Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai, phối hợp với FAO tại Việt Nam, trao đổi, xây dựng phương án đề xuất cụ thể hơn, báo cáo Lãnh đạo hai bên xem xét, phê duyệt.

FAO bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1978 thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn cho Chính phủ và thực hiện khoảng 400 dự án về phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và dinh dưỡng, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
Mục tiêu của FAO hiện nay là: Phấn đấu vì một tương lại an toàn lương thực. Với việc các hoạt động nông nghiệp của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, FAO đã và đang hỗ trợ xây dựng các chính sách và chương trình quốc gia nhằm tăng cường năng lực của ngành Nông nghiệp trong việc giảm thiểu tác động của khí nhà kính. Dự án đã xây dựng các hướng dẫn để hỗ trợ các bên liên quan trong việc phát triển các đề xuất cho các hành động giảm thiểu phù hợp.

Nguồn: Báo TN&MT 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: