Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Giám đốc UNIDO

Đăng ngày: 07-06-2017 | Lượt xem: 988
(TN&MT) - Ngày 06/06, tại trụ sở Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Stein Hansen, Giám đốc Đại diện Văn phòng khu vực của UNIDO.

Cùng tiếp có ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng trưởng Tổng cục Môi trường; Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao mối quan hệ gắn bó giữa các cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với UNIDO.

Được biết, UNIDO là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp nhằm giảm nghèo, toàn cầu hoá toàn diện và phát triển bền vững môi trường, với nhiệm vụ thúc đẩy và tăng cường phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. UNIDO bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1978 với vai trò là cơ quan chuyên môn, trợ giúp thực hiện về chuyển giao kỹ thuật cho các dự án phát triển công nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam hiện là thành viên UNIDO.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Stein Hansen, Giám đốc Đại diện Văn phòng khu vực của UNIDO

UNIDO ưu tiên hỗ trợ Việt Nam 4 lĩnh vực: Phát triển công nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt nhấn mạnh vào doanh nghiệp nữ; Phát triển công nghiệp nông thôn; Phát triển công nghiệp có môi trường lành mạnh. Hội nhập Việt Nam vào các Chương trình khu vực của UNIDO và các diễn đàn quốc tế về công nghiệp.

Hiện nay, giữa Bộ TNMT và UNIDO đã có hai dự án lớn và đã có những lợi ích thiết thực. Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ô-zôn trong lĩnh vực kho lạnh”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác cho UNIDO thực hiện và được Bộ TNMT phê duyệt ngày 26/09/2014. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu khí nhà kính bằng việc sử dụng các chất thay thế ít gây ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp tại Việt Nam mà hiện tại đang sử dụng HCFC-22. Dự án tập trung vào sự phối hợp giữa Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Montreal nhằm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn và giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOP) trong hoạt động đốt ngoài trời hiệu quả và bền vững. Trong đó mục tiêu của hoạt động áp dụng thí điểm tại Việt Nam: Trình diễn được hiệu quả áp dụng BAT/BEP trong quản lý chất thải và đốt ngoài trời tại khu vực tiểu thủ công nghiệp làng nghề được lựa chọn.

Bộ TN&MT mong muốn UNIDO hỗ trợ Bộ một số nội dung về việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Thu gom, xử lý khí bãi chôn lấp chất thải, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam. Nghiên cứu về phát triển công nghiệp xanh hướng tới tăng trưởng xanh. Đồng thời thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh.

Hợp tác về kiểm soát môi trường công nghiệp và kiểm soát phát thải. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong các ngành công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại ngành công nghiệp luyện kim tại Việt Nam thông qua áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP)”.

Thông qua ông Stein Hansen, Bộ trưởng mong muốn UNIDO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn trong ngành TN&MT.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: