Đà Nẵng: Cơ quan phát triển Pháp hỗ trợ Đà Nẵng giảm nhẹ biến đổi khí hậu
Đăng ngày: 31-10-2014 | Lượt xem: 1059
Chiều 30/10, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Nhà tư vấn Asconit (Pháp) tổ chức hội thảo Tổng kết Dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu (BĐKH) hộ gia đình và công...
Dự án DaCliMB do AFD tài trợ với tổng vốn 136.000 Euro, cơ quan chủ quản là UBND TP. Đà Nẵng, cơ quan thực hiện Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng (CCCO) và do Asconit làm chuyên gia tư vấn. Dự án DaCliMB thực hiện từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014 với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Đà Nẵng, tập trung giảm nhẹ khu vực hộ gia đình và khu vực thương mại; triển khai theo 3 giai đoạn: đánh giá tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính, xác định mục tiêu giảm nhẹ và các dự án thí điểm, phương pháp nhân rộng.
Quang cảnh Hội thảo
Theo đánh giá của tư vấn Asconit, cơ cấu tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực hộ gia đình và dịch vụ của Đà Nẵng có thể so sánh với một thành phố ở Châu Âu. Điện năng chiếm 50% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đà Nẵng, là nguồn năng lượng được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, lĩnh vực hộ gia đình tiêu thụ 24% tổng sản lượng điện và chỉ chỉ sau lĩnh vực công nghiệp (35%). Bên cạnh đó, điện năng chiếm một vị trí quan trọng trong tiêu thụ năng lượng của cả hai lĩnh vực, tại hộ gia đình, điện chiếm 72% và tại khu vực dịch vụ, điện chiếm 84%. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của Đà Nẵng năm 2010 là 1,54 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó có 280 nghìn tấn CO2quy đổi cho lĩnh vực hộ gia đình và 80 nghìn tấn CO2 quy đổi lĩnh vực dịch vụ.
Theo kịch bản phát triển bình thường vào năm 2025, mức tiêu thụ điện trong lĩnh vực hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân và sẽ vào khoảng 1.456 triệu kWh, trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân và sẽ vào khoảng 688 triệu kWh. Phát thải nhà kính năm 2025 sẽ tăng lên gấp 3 lần so với năm 2010, khoảng 1.368 nghìn tấn CO2 quy đổi.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ 8-10% vào năm 2020 so với năm 2010 theo định hướng tại Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, tư vấn Asconit xây dựng 30 đề xuất dự án ưu tiên trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tập trung vào ban hành thể chế, chính sách, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan; xây dựng các chương trình thí điểm… để giúp TP. Đà Nẵng đạt mục tiêu trở thành thành phố môi trường vào năm 2020. AFD sẽ tài trợ 3 dự án giảm nhẹ BĐKH trong lĩnh vực hộ gia đình và dịch vụ mà Asconit đề xuất ưu tiên thực hiện là: Dự án cải tạo chung cư Hoà Thuận thành chung cư xanh, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng; Dự án xây dựng chung cư xã hội cho công nhân tại quận Liên Chiểu; Dự án xây dựng tòa nhà thương mại xanh…
Tin & ảnh: Lan Anh – Văn Hà (TN&MT)