Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Sự tham gia của khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch Paris về BĐKH

Đăng ngày: 17-10-2017 | Lượt xem: 970
Ngày 10 tháng 10 năm 2017, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển...
Tiếp nối thành công của 3 kỳ Diễn đàn đã được tổ chức vào các năm 2014, 2015, 2016; VCSF 2017 quy tụ hơn 350 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các bộ/ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài nước. Với mục tiêu thảo luận về việc làm thế nào để tạo lập môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển của các giải pháp kinh doanh sáng tạo - không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, Diễn đàn cũng là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn. Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng đích phát triển bền vững, đại diện UN cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của doanh nghiệp đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững. 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, các tác động của biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi. Tại nước ta, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, các đợt lũ ống, lũ quét, mưa bão tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và cơn bão số 10 gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

“Các tác động của biến đổi khí hậu là hiện hữu. Diễn biến của biến đổi khí hậu đang vượt xa so với các dự báo trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và khu vực. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực của toàn cầu và hành động quyết liệt của mỗi quốc gia, trong đó việc huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là khối tư nhân có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Thứ trưởng cũng cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2015, tại COP 21, các quốc gia trên thế giới đã đồng thuận Thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu: “giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng so với thời kỳ tiền công nghiệp ở mức thấp hơn đáng kể so với 2 độ C và nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.

Ở cấp độ quốc gia, nhận thức được tác động nghiêm trọng của BĐKH đến quá trình phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Hệ thống chính sách, thể chế không ngừng được hoàn thiện; Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT… đã đề ra những định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề BĐKH một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và đệ trình Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định ngay trước thềm Hội nghị COP 21. Với cam kết bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát thải thông thường; và sẽ lên thành 25% khi  nhận được các hỗ trợ quốc tế. 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định, sự tham gia tích cực của khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch Paris về BĐKH, cam kết NDC tại Việt Nam vì các lý do sau:

Thứ nhất, khối tư nhân ở đây vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của BĐKH và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. 

Thứ hai, với các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên xác định trong thực hiện Kế hoạch Paris và cam kết NDC tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho khối tư nhân, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH. Những lĩnh vực đầy hứa hẹn gồm năng lượng tái tạo; đô thị thông minh, thân thiện hệ sinh thái; giao thông thông minh; công trình và giải pháp thích ứng hoặc tăng khả năng thích nghi với BĐKH... 

Nhận định về tình hình thực hiện các Mục tiêu toàn cầu (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam cho biết thế giới đã ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng DN đối với việc triển khai các SDGs, khi mà từ 200 DN tham dự Diễn đàn DN về PTBV do UN tổ chức năm 2015, đã tăng lên con số 1500 chỉ sau 2 năm. Cộng đồng DN đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các Mục tiêu PTBV mang lại, cũng như các rủi ro có thể được khắc phục. Số lượng các DN lập báo cáo bền vững tăng gấp 2 lần trong 5 năm, 90% các DN trong danh sách 500 công ty lớn nhất đã lập BCBV. Mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và các quốc gia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình PTBV chung vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng những mô hình kinh doanh tiên tiến và đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo những cái lợi trước mắt.

Tiếp nối những nội dung chia sẻ của lãnh đạo các Bộ, ngành, VCCI và doanh nghiệp tiêu biểu, trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp

Với kinh nghiệm 6 năm triển khai “Kế hoạch phát triển bền vững” (USLP) hướng đến mục tiêu tạo dựng cuộc sống bền vững cho mọi người trên thế giới, phát triển doanh nghiệp đi đôi với tăng cường tác động xã hội tích cực và giảm thiểu tác động môi trường, Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Unilever Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn về việc tích hợp các Mục tiêu PTBV trong chiến lược hoạt động của Unilever với việc đặt USLP tại vị trí trung tâm và là kim chỉ nam trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Kết quả cho thấy phương thức này mang lại hiệu quả cho công ty, bằng chứng là các Nhãn hàng Bền vững đạt tăng trưởng tốt hơn. 18 Nhãn hàng Bền vững của Unilever tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại và chiếm tới 60% tổng doanh số của tập đoàn. Unilever đã tiếp cận hàng trăm triệu người thông qua các chương trình truyền thông sức khỏe, vệ sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho thêm hàng triệu người dân với trọng tâm là chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ. Ông nhấn mạnh các kết quả tích cực mà mô hình tích hợp này đạt được ở Unilever đã cho thấy không hề có sự đánh đổi giữa các Mục tiêu PTBV và tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại, hướng đến các Mục tiêu PTBV chính là động lực cho tăng trưởng.
Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Unilever Việt Nam

Diễn đàn buổi chiều tiếp tục với 4 hội thảo chuyên đề song song tập trung vào 4 chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng DN, đáp ứng nhu cầu vận dụng vào thực tiễn, góp phần thực hiện các mục tiêu PTBV. Tại đây, diễn giả đều là chuyên gia đầu ngành đến từ các tổ chức, DN lớn với nhiều kinh nghiệm. Các chủ đề được đề cập gồm (1) Xây dựng nguồn lực con người trong thực hiện các Mục tiêu PTBV; (2) Nền kinh tế tuần hoàn: Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng hiệu quả; (3) Minh bạch và liêm chính trong kinh doanh: Hướng tới tính bền vững: Đưa giá trị liêm chính, tuân thủ vào chiến lược hoạt động kinh doanh để thu hút đầu tư và (4) Lập báo cáo bền vững & Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững: Thảo luận về GRI Standard. 
Quanh cảnh Diễn đàn
 
Tại Diễn đàn, Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Đồng Chủ tịch VBCSD cũng cho biết, trong thời gian tới, VCCI cũng sẽ giao VBCSD chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại VN, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4.5 nghìn tỷ đô do kinh tế tuần hoàn mang lại.

Ngay sau Diễn đàn này, dự án “Zero Waste to Nature – Không xả thải vào môi trường tự nhiên”, hoạt động đầu tiên của VCCE, sẽ được khởi động, với sự tham gia của ba công ty: Unilever Việt Nam, CocaCola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam. Đồng thời, VBCSD cũng sẽ hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center) áp dụng Sustainability Map, bộ hệ thống tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. 
 

Tác giả bài viết: DWRM

 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: