Tìm nguồn lực tài chính quốc tế cho giảm nhẹ BĐKH ở Việt Nam

Đăng ngày: 30-10-2014 | Lượt xem: 1083
Đó là chủ đề chính được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Tài chính và chuyển giao công nghệ cho ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam diễn ra trong một ngày 29/10 tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) đồng tổ chức với sự hợp tác tài trợ của Quỹ Hanns Seidel (HSF – Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam.  
 
Dự và chủ trì Hội thảo có Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT; TS. Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Ông Moritz Michel, Phó Trưởng đại diện HSF Việt Nam; cùng đại diện một số Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ TN&MT,đại diện các bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
 
 
Quang cảnh Hội thảo ngày 18/10
 
Hội thảo cũng thu hút gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)….
 
Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan về các chính sách BĐKH và các hoạt động giảm nhẹ BĐKH tại Việt Nam; trao đổi thông tin về tình hình chuyển giao công nghệ và các nguồn tài chính cho giảm nhẹ BĐKH tại Việt Nam, tạo điều kiện cho việc kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, giảm nhẹ những tác động của BĐKH.                   
 
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực tài chính và chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho ứng phó với BĐKH là vấn đề hết sức cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
 
Theo ông Nguyễn Lanh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), Việt Nam có tiềm năng lớn để giảm phát thải khí nhà kính do trình độ phát triển công nghệ vẫn còn ở mức khá thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và không phải có nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính. Do vậy hiện tại ở Việt Nam chưa có “người mua” trong nước và tất cả trông chờ vào nguồn lực tài chính hỗ trợ từ bên ngoài cho các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
 
Tham luận từ Văn phòng UBQG về BĐKH (Cục Khí tượng Thủy văn & BĐKH) cho hay, việc chi tiêu ứng phó với BĐKH đã được quan tâm, phân bổ; các chính sách triển khai dần có sự lan tỏa hiệu quả; nhiều cơ chế, thể chế tài chính toàn cầu đang hình thành, sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, huy động nguồn lực. Tham luận cũng chỉ ra các thách thức cho đầu tư ứng phó với BĐKH: nhu cầu chi tiêu ứng phó với BĐKH ngày càng tăng trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế; việc huy động nguồn lực từ khối tư nhân chưa hiệu quả; tiếp cận nguồn lực đa phương, song phương còn chưa tương ứng với tiềm năng.         
 
 
Ông Moritz Michel, Phó Trưởng đại diện Quỹ HSF (Đức) phát biểu tại Hội thảo
 
Ông Moritz Michel, Phó Trưởng đại diện Quỹ HSF (Đức) nhấn mạnh: “Chuyển giao công nghệ cho ứng phó BĐKH là ưu tiên hàng đầu của Quỹ tại Việt Nam. Việt Nam đang tiến đến là nước có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng, đảm bảo cân bằng giữa việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”.
 
Trong phiên thảo luận, các đại biểu sẽ trao đổi, giới thiệu về các hoạt động giảm nhẹ BĐKH hiện nay tại Việt Nam của một số tổ chức quốc tế như NAMA, JCM và các cơ chế khác; Giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ tài chính trong công tác bảo vệ môi trường và các nguồn tài chính quốc tế cho giảm nhẹ BĐKH mà Việt Nam có thể kêu gọi tài trợ.
 
Sau khi các chuyên gia trình bày tham luận và thảo luận, TS Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã khẳng định: Đây là một trong những kênh tiếp nhận thông tin quan trọng để bổ sung vào kế hoạch, chính sách của ngành TN&MT nói chung và công tác phòng chống, thích ứng BĐKH nói riêng. “Ban Tổ chức Hội thảo sẽ ghi lại, tổng kết thành văn bản để trình lên Các cơ quan quản lý Nhà nước mà đặc biệt là Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm góp phần hoàn thiện them cơ chế, chính sách và giải pháp… nhất là trong việc tìm các nguồn tài chính và công nghệ trong phòng chống, thích ứng BĐKH…” – ông Hồ Ngọc Hải nói.   
 
Tin và ảnh: Việt Hùng Quyết Thắng (TN&MT)
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: