5 điểm đáng chú ý trong báo cáo mới về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc

Đăng ngày: 10-08-2021 | Lượt xem: 3331
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) do Liên Hợp quốc chỉ định hôm 9/8 đã công bố một báo cáo tóm tắt thông tin khoa học mới nhất về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Dưới đây là 5 điểm quan trọng:

Ảnh minh họa: Sky News

Con người chịu trách nhiệm

Báo cáo cho biết, hầu như tất cả sự nóng lên xảy ra từ thời tiền công nghiệp là do giải phóng các khí giữ nhiệt cao như carbon dioxide và methane. Phần lớn trong số đó là kết quả của việc con người đốt nhiên liệu hóa thạch - than, dầu, gỗ và khí đốt tự nhiên.

Các tác giả cho biết, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1 độ C kể từ thế kỷ XIX, là mức cao nhất trong hơn 100.000 năm và chỉ một phần nhỏ trong số đó có thể là do các tác động tự nhiên.

Mục tiêu Paris đến sớm

Hầu như tất cả các quốc gia đã ký kết hiệp định khí hậu Paris 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100. Các thỏa thuận cho rằng mức tăng lý tưởng là không quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, hơn 200 tác giả của báo cáo đã xem xét 5 kịch bản và kết luận rằng tất cả sẽ thấy thế giới vượt qua ngưỡng 1,5 độ vào những năm 2030 - sớm hơn so với các dự đoán trước đó. 3 trong số các kịch bản đó cho thấy viễn cảnh nhiệt độ tăng 2 độ C.

Thời tiết hoang dã

Báo cáo dài hơn 3.000 trang kết luận rằng băng tan và mực nước biển dâng đang tăng nhanh. Các hiện tượng thời tiết hoang dã - từ bão đến sóng nhiệt - cũng được cho là sẽ tồi tệ và trở nên thường xuyên hơn.

Tính cấp thiết của tình hình được nhấn mạnh trong báo cáo của IPCC khiến các nhà khoa học lo lắng. Một số chuyên gia hàng đầu hôm 9/8 đã kêu gọi xây dựng mô hình khoa học tốt hơn để dự đoán chính xác hơn các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhằm giúp người dân và chính phủ chuẩn bị tốt hơn.

Điểm tới hạn

Trong khi nhiều dự đoán của báo cáo vẽ ra một bức tranh tồi tệ về tác động của con người lên hành tinh và những hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai, IPCC cũng phát hiện ra rằng những cái gọi là "điểm tới hạn", như thảm họa băng sụp đổ hay sự giảm tốc đột ngột của dòng hải lưu, vẫn đang ở mức "khả năng thấp có thể xảy ra" , mặc dù không thể loại trừ chúng.

Lượng khí thải âm

Mặc dù nhiệt độ dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu 1,5 độ C trong thập kỷ tới, báo cáo cho thấy rằng sự ấm lên có thể được giảm xuống mức này thông qua cái được gọi là “lượng khí thải âm”. Điều đó có nghĩa là hút nhiều carbon dioxide ra khỏi khí quyển hơn lượng được thêm vào, làm mát hành tinh trở lại một cách hiệu quả.

Hội đồng cho biết điều đó có thể được thực hiện bắt đầu từ khoảng nửa sau thế kỷ này, nhưng không giải thích bằng cách nào và nhiều nhà khoa học nghi ngờ liệu điều đó có thể được thực hiện hay không.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: