Dự thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH

Đăng ngày: 07-11-2019 | Lượt xem: 2894
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển bền vững, khu vực này cần có một chiến lược dài hạn mang tính tổng thể đáp ứng các mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.

Ảnh ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong những năm gần đây Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu với hàng loại hiện tượng tiêu cực như sạt lở, sụt lún, ngập úng, nhiễm mặn.

Đáng báo động là trong khoảng 50 năm tới khoảng 47% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4 phần nghìn­ và có tới 64% diện tích chịu ảnh hưởng bởi độ mặn 1 phân nghìn­, hầu như không thể sản xuất trồng trọt; trong đó, bán đảo Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Dự báo trong thời gian tới, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng trở nên cực đoan, có thể khô hạn nghiêm trọng hoặc lũ chồng lũ gây khó khăn  cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, những năm qua sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý như tập trung thâm canh lúa 3 vụ, khai thác quá mức tài nguyên cát sỏi, nước ngầm và giảm diện tích rừng ven biển khiến khu vực này trở nên dễ tổn thương trước những tác động của tự nhiên.

Ba nhóm nguyên nhân trên cộng hưởng cùng lúc đã tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất, khó dự đoán nhất trong lịch sử kiến tạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Những tác động này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân nhưng nông nghiệp – nông dân – nông thôn sẽ là những đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển thành vùng nông nghiệp trù phú, là vựa nông sản, thủy sản lớn của cả nước và khu vực. Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cả về khí hậu ôn hòa lẫn địa hình đất đai bằng phẳng với hệ sinh thái đa dạng.

Hơn hết Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi để kết nối giao thương với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và ra thế giới, là lợi thế quan trọng để phát triển mạnh thương mại nông sản.

Ngoài ra không thể không nhắc đến những cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế thế giới mang lại đó là sự mở cửa thị trường với mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…

Đứng trước bối cảnh đó, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu và tận dụng tốt những cơ hội từ thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng “Chương trình tổng thể phát triển  nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển thành 3 vùng dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng an toàn, vùng chuyển đổi, vùng linh hoạt và sẽ điều chỉnh theo chu kỳ 10 năm.

Vùng thượng đồng bằng đóng vai trò điều tiết và hấp thụ lũ cho khu vực, là vùng trọng điểm sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng giữa đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển, phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất của cả nước.

 Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục trên Hồ sơ công việc tại Công văn số 889/BĐKH-KHTC ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Cục Biến đổi khí hậu về việc tham gia ý kiến Dự thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế đại diện cho Tổng cục KTTV có một số nhận định.

Tại mục VI, khoản 4. Phát triển khoa học công nghệ: Đề nghị xem xét bổ sung nội dung “Nghiên cứu xây dựng công nghệ dự báo, cảnh báo thời tiết, lũ, hạn mặn và xói lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Tin bài: Thành Công - Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: