Khoa học công nghệ trong công tác dự báo khí tượng thuỷ văn tại Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ

Đăng ngày: 17-05-2021 | Lượt xem: 860
Cùng với sự phát triển chung của Ngành, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) nói chung, dự báo thiên tai nói riêng tại khu vực Trung Trung Bộ trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác dự báo.

Các sản phẩm dự báo được đa dạng hóa, thời gian cảnh báo, dự báo được kéo dài hơn, đáp ứng sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt phục vụ công tác phòng chống thiên tai. 
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các địa phương, bên cạnh gia tăng mật độ trạm, hiện đại hoá công nghệ quan trắc, truyền tin, công nghệ dự báo KTTV cũng được phát triển khá mạnh mẽ, trong đó điển hình là sự nghiên cứu ứng dụng các mô hình tiên tiến trong nghiệp vụ dự báo.
Trong công tác dự báo khí tượng, hiện nay bên cạnh việc phân tích và khai thác các sản phẩm dự báo số trị trong nước và quốc tế; khai thác sử dụng ảnh mây vệ tinh, sản phẩm radar thời tiết và các phần mềm hỗ trợ dự báo như công cụ SmartMet, tại Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ (Đài) còn tiến hành nghiên cứu và đưa vào tác nghiệp hằng ngày sản phẩm dự báo từ mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết WRF (Weather Research and Forecasting) với trường đầu vào của Nhật và Mỹ cho độ phân giải và kích thước lưới phù hợp với khu vực mà Đài quản lý. Việc kết hợp sử dụng kết quả của nhiều nguồn đầu vào khác nhau giúp dự báo viên có sự phân tích khách quan hơn trong nghiệp vụ. Sản phẩm đầu ra của mô hình WRF đa dạng và được trích xuất dưới dạng các file hình ảnh mô phỏng các trường khí tượng dưới dạng bản đồ và các yếu tố như khí áp, gió, nhiệt độ, mưa, độ ẩm… và dạng file số (text) cho tất các các trạm quan trắc truyền thống và tự động trên khu vực. Các sản phẩm trích xuất với các hạn dự báo 36 giờ, 72 giờ, 5 ngày và 13 ngày cho 2 phiên dự báo 00 và 12z, kết quả từ mô hình này đã hỗ trợ cho các dự báo viên trong công tác dự báo đặc biệt khi có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, ATNĐ, mưa lớn… Năm 2020 là một trong những năm có thiên tai khắc nghiệt nhất trong lịch sử, với việc áp dụng công nghệ hiện đại mà điển hình là các sản phẩm của các mô hình số trị đã hỗ trợ dự báo viên đưa ra những nhận định thời tiết định tính và định lượng một cách tốt nhất góp phần phục vụ phòng chống thiên tai và đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa trên khu vực.

Các hiện tượng thủy văn nguy hiểm đã được dự báo, cảnh báo sớm với độ chính xác, tin cậy ngày càng cao. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt được chi tiết tới cấp huyện; cảnh báo, dự báo thiếu hụt nguồn nước trên các lưu vực sông, xâm nhập mặn theo từng cửa sông và đưa ra các cấp độ rủi ro thiên tai để công tác ứng phó được chủ động. Công nghệ dự báo thủy văn hiện nay tại Đài đã có nhiều phát triển, các mô hình thủy văn, thủy lực được nghiên cứu ứng dụng, khai thác số liệu từ tất cả các trạm quan trắc thủ công, tự động và lượng mưa dự báo từ các mô hình số trị. Các mô hình thuỷ văn, thuỷ lực tiên tiến cũng đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng tại khu vực Trung Trung Bộ như mô hình thủy văn: MIKE NAM, TANK, HEC-HMS; mô hình thủy lực như HECRAS, bộ mô hình MIKE 21, MIKE FLOOD, …

Từ năm 2018, công tác dự báo hải văn tại Đài đã được nghiên cứu thực hiện. Đến nay Đài đã làm chủ được các mô hình dự báo hải văn, xây dựng các công cụ hỗ trợ khai thác sản phẩm từ các nước phát triển. Dự báo sóng biển với thời hạn 10 ngày trên vùng biển gần bờ và ngoài khơi. Nước dâng do bão, triều cường đã được dự báo, cảnh báo kịp thời theo quy định. Các mô hình được nghiên cứu ứng dụng tại Đài hiện nay gồm: SWAN - dự báo, cảnh báo sóng biển; ROMS 2D - dự báo, cảnh báo nước dâng và triều cường, thủy triều.
Bên cạnh việc áp dụng KHCN vào công tác quan trắc, dự báo hằng ngày, Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cũng rất chú trọng đến việc nghiên cứu, thực hiện và tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tạo lập công nghệ nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả của công tác dự báo, trong đó phải kể đến các dự án, đề tài sau:
+ Dự án: Ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ chỉ huy phòng tránh lũ lụt tỉnh Quảng Nam;
+ Dự án: Đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động của BĐKH  tại thành phố Đà Nẵng;
+ Dự án: Quan hệ tương tác giữa sử dụng đất và biến đổi khí hậu tại Miền Trung Việt Nam và bao gồm toàn bộ lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn (Lucci);
+ Dự án: Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh quảng nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
+ Dự án: Xây dựng và triển khai Hệ thống Dự báo cảnh báo lũ cho Hội An và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
 + Đề tài: Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ dự báo, cảnh báo dông, mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ.
+ Đề tài: Nghiên cứu đánh giá khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn các sông khu vực Trung Trung Bộ.
Như vậy, cùng với sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ dự báo KTTV tại Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ đã được đầu tư, nâng cấp; con người cũng đã được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ để có thể ứng dụng, khai thác công nghệ, trang thiết bị. Vì vậy, công tác dự báo KTTV trong những năm qua đã phục vụ được nhu cầu của xã hội tại các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật còn chưa đồng bộ, diễn biến ngày càng phức tạp của các loại hình thiên tai có nguồn gốc KTTV, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như: Dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể, nên việc đầu tư hạ tầng mạng lưới quan trắc, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ dự báo sẽ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: