Thông điệp của Bộ TN&MT về Ngày Nước và Ngày Khí tượng thế giới

Đăng ngày: 23-03-2020 | Lượt xem: 7092
Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Lê Công Thành chuyển tải thông điệp của Bộ TN&MT nhân Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới

Đây là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành gửi đi nhân Ngày Nước thế giới (22/3/2020) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3/2020).

Tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia

Năm 2020, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề của Ngày Nước thế giới là “Nước và Biến đổi khí hậu” và chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước".

Những chủ đề này cho thấy, tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ rõ, chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Theo số liệu của UNICEF, hiện nay có khoảng gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn.

Riêng tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực hiện nay. “Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, với chủ đề của Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm nay, vai trò của việc đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống thiên tai là điều cấp thiết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, công tác quản lý tài nguyên nước cần tập trung vào việc xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông làm cơ sở triển khai các giải pháp phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước. Tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Vận hành các hồ chứa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu và giảm thiểu các tác hại do lũ lụt, hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các hoạt động xả nước thải; thu gom xử lý ô nhiễm từ nguồn; khuyến khích đầu tư vào công nghiệp xử lý nước thải. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ công bằng và hợp lý các nguồn nước liên quốc gia.

Cần các giải pháp căn cơ, chiến lược

Truyền đi thông điệp nhân Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước, bởi đây chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Bộ TN&MT cũng bắt tay ngay vào những hành động cụ thể. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; khuyến khích, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, tạo cơ sở phát triển thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, tiến tới xây dựng nền công nghiệp khí tượng thủy văn ở nước ta.

Đặc biệt, tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khí tượng thủy văn quan trọng, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, quan trắc nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng mật độ trạm đo ở vùng thượng nguồn các con sông, tăng hệ thống ra đa thời tiết để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, nguồn nước, trong đó gồm cả dự báo tác động, rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số, tiên tiến, bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình, các số liệu thời gian thực sử dụng tối ưu số liệu vệ tinh, radar, số liệu hồ chứa…

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cần sự chung tay của cả cộng đồng và cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. “Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: