Kết quả đạt được trong việc thực hiện. Giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế trong cảnh báo sớm, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự án “Xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam” do Tổng cục KTTV làm chủ đầu tư; dự án đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 3250/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 10 năm 2018 với tổng mức vốn đầu tư là 71.643 triệu đồng, tình hình thực hiện dự án đến nay: Đã hoàn thành phê duyệt Danh mục thiết bị và dự toán, tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu NBD-TB2 "Cung cấp, lắp đặt thiết bị đo hàm lượng chất lơ lửng và thiết bị đo lưu lượng dòng chảy ADCP cho các trạm thủy văn tham chiếu tại Đồng bằng sông Cửu Long" tại Quyết định số 2802/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đã hoàn thành phê duyệt phương án kỹ thuật thi công và dự toán, tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu NBD-CK1 "Rà phá bom mìn"; Gói thầu NBD-TV9 "Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị". Tổ chức triển khai thực hiện nội dung các Gói thầu NBD-TV4 "Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công phần xây dựng, thiết bị, yêu cầu kỹ thuật các phần mềm và lập tổng dự toán"; Gói thầu NBD-TV5 "Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường" và Gói thầu NBD-TV8 "Lập HSMT, đánh giá HSDT các gói thầu xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị".
Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan: Được sự đầu tư của Nhà nước, từ năm 2007, Tổng cục KTTV (trước kia là Trung tâm KTTV quốc gia) bắt đầu thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực cụ thể: hệ thống mạng lưới quan trắc, hệ thống thông tin, hệ thống phân tích số liệu và dự báo KTTV. Đến cuối năm 2012 đã cơ bản thực hiện hoàn thành các nội dung của Đề án trọng điểm “Đầu tư cấp bách tăng cường năng lực dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai, trọng tâm là công tác dự báo bão”, Dự án ”tăng cường năng lực dự báo lũ lụt giai đoạn 1” và Dự án ”Tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát lũ, lụt đồng bằng sông Cửu Long”; đồng thời từng bước triển khai thực hiện Đề án ”Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV giai đoạn 2010-2012”. Kết quả thực hiện các đề án, dự án đã từng bước phát triển mạng lưới quan trắc cả về số lượng và chất lượng theo hướng tự động hóa; từng bước hình thành hệ thống thông tin chuyên ngành hiện đại, trên cơ sở đó phát triển công nghệ dự báo hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo KTTV, đặc biệt là dự báo bão, lũ, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển KT-XH. Từ gần 500 trạm KTTV vào đầu năm 2002, sau 17 năm đã phát triển thành mạng lưới trạm KTTV đã có trên 1.400 trạm, điểm đo, trong đó có: 194 trạm khí tượng, 14 trạm bức xạ, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 354 trạm thủy văn, 23 trạm khí tượng hải văn, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông, 09 trạm ra đa thời tiết, 06 trạm thám không vô tuyến, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học (pilot), 03 trạm đo tổng lượng ô dôn – bức xạ cực tím và 755 điểm đo mưa. Các công trình đo đạc, nhà quan trắc của các trạm đã được kiên cố hoá, máy móc, thiết bị đo đạc lạc hậu, thủ công đã dần được thay thế bằng các thiết bị hiện đại, tự động và bán tự động.
Vụ Kế hoạch - Tài chính