Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Bộ Tài chính xây dựng và tập huấn Phần mềm Quản lý tài sản công thay thế Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước triển khai cho cán bộ quản trị, cán bộ sử dụng Phần mềm thuộc các đơn vị được phân cấp nhập liệu của các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước kể từ ngày 15/01/2022.
Theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, ngoài 4 nhóm tài sản có giá trị lớn đã kê khai tại Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện cập nhật toàn bộ các tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (tài sản có nguyên giá từ 10 triệu đồng và có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên), tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời, khi triển khai Phần mềm Quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ dữ liệu về tài sản từ Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước 4.0 sang Phần mềm Quản lý tài sản công.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có một số chỉ tiêu, thông tin quản lý tài sản đã thay đổi như: Danh mục địa bàn, danh mục tài sản, nhóm tài sản, hiện trạng sử dụng của tài sản... đòi hỏi cán bộ nhập liệu, cán bộ quản trị phần mềm của các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện chuẩn hóa đối với các dữ liệu ban đầu này. Tuy nhiên, qua đánh giá dữ liệu hiện có trong Phần mềm, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật kịp thời số liệu tài sản công thuộc phạm vi quản lý, cũng như chưa thực hiện chuẩn hóa số liệu dẫn đến thông tin, dữ liệu chưa đảm bảo tính đầy đủ, chính xác.
Để thực hiện Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, Báo cáo tài chính nhà nước, Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai một số nội dung cụ thể. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhập dữ liệu về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định của pháp luật); tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân vào Phần mềm Quản lý tài sản công.
Trong đó, đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện có đến ngày 31/12/2017 thì thực hiện nhập dữ liệu vào chức năng “Nhập dữ liệu/Tài sản Công/Nhập số dư đầu kỳ”. Đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phát sinh từ ngày 01/01/2018 trở về sau thì thực hiện nhập dữ liệu vào chức năng “Nhập dữ liệu Tài sản công/Tăng giảm tài sản”.
Đối với tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước của Ban Quản lý dự án thì thực hiện nhập liệu vào chức năng “Nhập dữ liệu/Tài sản dự án”. Đối với các tài sản phục vụ hoạt động quản lý của Ban Quản lý dự án thì thực hiện nhập liệu vào chức năng “Nhập dữ liệu/Tài sản công” như quy định tại điểm a, điểm b nêu trên. Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân phát sinh từ ngày 05/3/2018 trở về sau thì thực hiện nhập liệu vào chức năng “Nhập dữ liệu Tài sản xác lập”.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tài sản công hiện có trong Phần mềm Quản lý tài sản công đảm bảo tính chính xác của thông tin tài sản đã nhập.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2022 gửi về Bộ Tài chính theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.
Tạp chí KTTV