CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XUẤT NHẬP CẢNH, DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN VÀ CỔNG KIỂM SOÁT TỰ ĐỘNG

Đăng ngày: 02-07-2020 | Lượt xem: 1872
THU THẬP, CẬP NHẬT, QUẢN LÝ, KẾT NỐI, CHIA SẺ VÀ CUNG CẤP KHAI THÁC THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XUẤT NHẬP CẢNH

Thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

1. Thông tin thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

a) Đối với công dân Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 41 và Điều 42 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

b) Đối với người nước ngoài, thông tin thu thập, cập nhật gồm: Họ, chữ đệm và tên trong hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ảnh chân dung; vân tay; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; quá trình nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam; nơi cư trú ở Việt Nam; các thông tin khác có liên quan.

2. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh được thu thập, cập nhật từ các nguồn sau:

a) Tờ khai, biểu mẫu và thông tin thu thập khi thực hiện thủ tục cấp giấy tờ cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam hoặc trong quy trình kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;

b) Khai thác thông tin trong hồ sơ quản lý xuất nhập cảnh và các cơ sở dữ liệu xuất nhập cảnh đã được chuẩn hóa, chuyển đổi; khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua kết nối, chia sẻ;

c) Tiếp nhận, xử lý thông tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp có liên quan đến xuất nhập cảnh của người nước ngoài và công dân Việt Nam.

3. Trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

a) Cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh trong quá trình giải quyết thủ tục theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thu thập, cập nhật ngay thông tin phát sinh được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có trách nhiệm phối hợp, thống nhất về cách thức, nội dung để bảo đảm chia sẻ thông tin được quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin được quy định tại khoản 1 Điều này bằng hình thức trực tiếp hoặc qua cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

1. Thực hiện các nhiệm vụ với vai trò là cơ quan cung cấp dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh theo các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

2. Dữ liệu cung cấp phải được cập nhật kịp thời, chính xác; việc kết nối, chia sẻ thông tin phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

3. Vận hành hệ thống kỹ thuật hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ; bảo đảm điều kiện hạ tầng phục vụ kết nối, trao đổi dữ liệu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

4. Xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sao lưu, dự phòng, phục hồi dữ liệu; các giải pháp về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong kết nối, chia sẻ theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

5. Xây dựng phương án bảo trì, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nhằm đáp ứng sự thay đổi về công nghệ, nghiệp vụ và quản lý.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các quy trình nghiệp vụ để phục vụ việc cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin.

Phạm vi cung cấp, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

1. Cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan thi hành án hoặc các cơ quan quản lý nhà nước được đề nghị cung cấp thông tin về xuất nhập cảnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện các quyết định thi hành án, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2. Cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh được khai thác thông tin liên quan đến việc cấp, thu hồi, hủy, khôi phục, kiểm soát hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh và lịch sử xuất nhập cảnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để chủ động thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ.

3. Công dân Việt Nam được đề nghị cung cấp hoặc xác nhận thông tin liên quan đến xuất nhập cảnh của bản thân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để phục vụ yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

4. Việc cung cấp, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh phải đúng mục đích, thẩm quyền và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Việc cung cấp, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh

1. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này:

a) Đối với cơ quan bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Chương III của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

b) Đối với cơ quan chưa bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng hoặc do yêu cầu công tác, cơ quan đề nghị cung cấp thông tin gửi văn bản đến cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh trả lời kết quả bằng văn bản cho cơ quan yêu cầu.

2. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này: Cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh phải bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng để kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

3. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này:

a) Công dân gửi đơn đề nghị theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản cho người đề nghị.

DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN PHỤC VỤ CẤP, QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT HỘ CHIẾU CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ KIỂM SOÁT XUẤT NHẬP CẢNH BẰNG CỔNG KIỂM SOÁT TỰ ĐỘNG

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến

1. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam được triển khai trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và liên kết, tích hợp thông tin với cổng dịch vụ công quốc gia.

2. Dịch vụ công trực tuyến nêu tại khoản 1 Điều này cho phép tiếp nhận thông tin khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, đặt lịch hẹn và hỗ trợ cung cấp thông tin hướng dẫn trình tự thực hiện cấp hộ chiếu; tra cứu trạng thái, kết quả xử lý đề nghị cấp hộ chiếu.

Trách nhiệm của cơ quan được giao cung cấp dịch vụ công trực tuyến

1. Thực hiện các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh trên cổng dịch vụ công theo các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

2. Công khai địa chỉ trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

3. Hướng dẫn quản lý, khai thác, sử dụng, tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp các vướng mắc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến.

4. Bảo đảm tính sẵn sàng liên kết, tích hợp thông tin các dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia.

5. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các dịch vụ công trực tuyến.

6. Xây dựng phương án dự phòng, khắc phục sự cố, bảo đảm các dịch vụ công trực tuyến hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ. Thường xuyên cập nhật kết quả xử lý thủ tục hành chính được thực hiện thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

7. Định kỳ rà soát, đề xuất nâng cấp, hiệu chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động

1. Đối tượng có nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động phải thực hiện thủ tục đăng ký:

a) Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chip điện tử đến các nước không miễn thị thực nhập cảnh;

b) Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu không gắn chip điện tử;

c) Công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên đất liền;

d) Người nước ngoài có thẻ thường trú, thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

2. Người nêu tại khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục đăng ký trực tiếp tại cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh nơi có cổng kiểm soát tự động hoặc qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao như sau:

a) Khai đầy đủ thông tin vào tờ khai đề nghị theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Xuất trình hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh;

c) Đối với công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu đến các nước không miễn thị thực nhập cảnh thì phải xuất trình thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh;

d) Đối với người nước ngoài xuất trình thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú;

đ) Cung cấp ảnh chân dung;

e) Cung cấp vân tay theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;

g) Việc đăng ký chỉ thực hiện một lần; khi có sự thay đổi, bổ sung thông tin trong hộ chiếu, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh Việt Nam hoặc thị thực, giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh thì phải khai bổ sung thông tin theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Đối tượng được xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.

a) Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chip điện tử đến các nước miễn thị thực nhập cảnh;

b) Các trường hợp đã hoàn tất thủ tục theo quy định tại khoản 2 Điều này; đối với các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này chỉ được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ.

Trách nhiệm của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh

1. Tiếp nhận tờ khai; kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh; đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; thu nhận ảnh, vân tay của người đăng ký theo quy định.

2. Sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này, thông báo ngay kết quả cho người đăng ký. Trường hợp không đủ điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động, thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.

3. Hướng dẫn sử dụng cổng kiểm soát tự động.

KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: