Định hướng việc Thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình trong quản lý dự án đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 23-07-2020 | Lượt xem: 1922

Hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng

Tờ trình thẩm định thiết kế theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan chuyên môn về xây dựng để thẩm định, gồm:

Các văn bản pháp lý:

- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình nhà ở riêng lẻ.

- Hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt cùng dự án đầu tư xây dựng;

- Văn bản phê duyệt danh mục tiêu chuẩn nước ngoài (nếu có);

- Văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

- Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với quy định hợp đồng.

- Các văn bản khác có liên quan.

Tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế, dự toán:

- Hồ sơ khảo sát xây dựng;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công bao gồm thuyết minh và bản vẽ;

- Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Hồ sơ năng lực của các nhà thầu:

- Thông tin năng lực của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình;

- Giấy phép nhà thầu nước ngoài (nếu có);

- Chứng chỉ hành nghề của các chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế của nhà thầu thiết kế (bản sao)

Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ trước khi trình thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình; Trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình (Chủ đầu tư Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình):

Hồ sơ trình thẩm định được gửi đến Vụ Kế hoạch – Tài chính để thẩm định.

Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán: Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng của các dự án.

Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng:

- Người quyết định đầu tư: phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế hai bước;

- Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế ba bước.

Thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình

Thẩm định dự toán xây dựng công trình được thực hiện đồng thời với việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.

Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình gồm:

- Kiểm tra sự phù hợp khối lượng công tác xây dựng, chủng loại và số lượng thiết bị trong dự toán so với khối lượng, chủng loại và số lượng thiết bị tính toán từ thiết kế xây dựng, công nghệ;

- Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng định mức dự toán, giá xây dựng của công trình và quy định khác có liên quan trong việc xác định các khoản mục chi phí của dự toán xây dựng công trình;

- Xác định giá trị dự toán xây dựng công trình sau thẩm định và kiến nghị giá trị dự toán xây dựng để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán xây dựng công trình đề nghị thẩm định.

Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đối với các công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B và C có kỹ thuật phức tạp hoặc áp dụng công nghệ cao, Vụ Kế hoạch – Tài chính yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện thẩm tra dự toán xây dựng công trình làm cơ sở cho việc thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự toán xây dựng công trình được phê duyệt là cơ sở xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng trong trường hợp chỉ định thầu, nếu có. Trường hợp giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư thì giá gói thầu được cập nhật theo dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt.

Phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình

Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình với các nội dung quy định tại Điều 28 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư được phân cấp hoặc ủy quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 của Luật Xây dựng. (Đã nêu cụ thể ở các khoản 2, 3 mục này).

Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Mẫu tờ trình phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Nội dung phê duyệt thiết kế xây dựng

Các thông tin chung về công trình: Tên công trình, hạng mục công trình (nêu rõ loại và cấp công trình); chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất.

Quy mô, công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu của công trình.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn chủ yếu được áp dụng.

Các giải pháp thiết kế chính của hạng mục công trình và toàn bộ công trình.

Dự toán xây dựng công trình.

Những yêu cầu phải hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ thiết kế và các nội dung khác (nếu có).

Thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng và thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật

Vụ Kế hoạch – Tài chính, người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng để thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.

Vụ Kế hoạch – Tài chính, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.

Mẫu báo cáo kết quả thẩm định, thẩm tra dự toán xây dựng công trình theo hướng dẫn tại Phụ lục số 10 của Thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

 Nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình

Căn cứ nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình:

- Hợp đồng giao nhận thầu thiết kế xây dựng công trình;

- Nhiệm vụ thiết kế, hồ sơ thiết kế bước trước đã được phê duyệt;

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng;

- Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt.

Thành phần trực tiếp nghiệm thu:

- Người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư;

- Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế;

- Chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình.

Nội dung biên bản nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình bao gồm: đối tượng nghiệm thu; thành phần trực tiếp nghiệm thu; thời gian và địa điểm nghiệm thu; đánh giá chất lượng và số lượng hồ sơ thiết kế đối chiếu với các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu của hợp đồng; kết luận nghiệm thu (chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ thiết kế; yêu cầu sửa đổi, bổ sung và các kiến nghị khác nếu có); chữ ký, họ tên, chức vụ người đại diện theo pháp luật và đóng dấu pháp nhân của các thành phần trực tiếp nghiệm thu.

Nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được thực hiện để phục vụ việc thanh toán, quyết toán, thanh lý hợp đồng thiết kế giữa chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế xây dựng công trình.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: