Tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan

Đăng ngày: 09-10-2019 | Lượt xem: 4147
Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức các ngành; nâng cao năng lực lãnh đạo; triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời xây dựng được một bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu công tâm, vừa có tâm, có tầm, am hiểu về công tác tổ chức, cán bộ ở các cơ quan bộ, ban, ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ.

Phải thường xuyên quán triệt, để không ngừng củng cố và nâng cao nhận thức của những người làm công tác tham mưu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Người làm công tác tổ chức, cán bộ cần phải nhận thức được rằng: họ là những người phụ trách, đảm nhiệm, tham mưu một công việc đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh của một con người, một tổ chức, một cơ quan, đơn vị, hay nói rộng hơn là liên quan đến vận mệnh của cả đất nước. Vì thế, người tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ phải thực sự có nhận thức đúng, khoa học; phải thực sự công tâm, khách quan, có trái tim trong sáng; có trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực tổ chức, thì mới có thể tham mưu.

Kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế các văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trước hết phải từ việc đổi mới và hoàn thiện các văn bản pháp lý. Việc xây dựng, ban hành các quy định, quy chế và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ là điều kiện thuận lợi để các tổ chức đảng, cấp ủy và đội ngũ tham mưu có hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện. Cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp cần kịp thời rà soát, bổ sung các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể việc thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần có quy định về việc liên đới chịu trách nhiệm khi cán bộ giới thiệu nhân sự vào các cơ quan khi có vấn đề xảy ra.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Hiện nay, việc tham mưu về công tác chuẩn bị và tổ chức là rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc chuẩn bị một đội ngũ lãnh đạo có chất lượng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong Khối cần thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại và các lớp bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ do các trường chính trị và các cơ quan chuyên môn. 

Bên cạnh việc ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý cán bộ làm công tác tổ chức và sự nỗ lực học tập của cán bộ, thì các trường chính trị, học viện chính trị, các vụ chuyên môn phải thường xuyên mở các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về công tác tổ chức, cán bộ cho đội ngũ cán bộ này. Có như vậy thì mới đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra hiện nay.

Cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy, thủ trưởng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải thực sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tiền lương cho đội ngũ cán bộ này. Bởi vì, muốn họ làm tốt công việc này thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho họ để họ yên tâm công tác, không tham ô, vụ lợi, thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch về công tác cán bộ trong tất cả các khâu như: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ… và không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá thực trạng về bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Đây là cơ sở tham mưu với cấp ủy, ban thường vụ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiệu quả hay không hiệu quả; đánh giá được ưu điểm, nhược điểm để từ đó kịp thời nhân rộng, phát huy những ưu điểm đang có, sửa chữa, thay đổi những hạn chế, bất cập. Từ đó, thiết lập một hệ thống làm công tác tổ chức, cán bộ ổn định, đồng bộ, có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, thống nhất trong chỉ đạo và điều hành hoạt động; đồng thời, phát hiện những nội dung còn bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn trong quy định, quy chế về công tác cán bộ, cũng như những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ, để kịp thời khắc phục và đề xuất với cấp ủy điều chỉnh cho phù hợp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Qua kiểm tra, giám sát sẽ giúp cấp ủy các cấp đánh giá sát, đúng về thực trạng đội ngũ tham mưu về công tác cán bộ trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, phát hiện, xử lý các sai phạm (nếu có); chấn chỉnh hoặc kỷ luật đối với một số cá nhân, tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, nâng cao chất lượng công tác tham mưu.

Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ. Mọi dấu hiệu không bình thường về công tác cán bộ cần phải được kiểm tra, xem xét, kết luận; nếu có vi phạm phải xử lý công khai, khách quan, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Phát huy hơn nữa vai trò trong việc giám sát cán bộ; xem đây là kênh thông tin quan trọng, giúp cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, luân chuyển, thi hành kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Tin Vụ TCCB

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: