Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
Năm 2020 đã qua đi song những dư âm về sự ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 và sức tàn phá mạnh mẽ của thiên tai vẫn còn đọng lại. Những dòng sông ngầu đục, những vạt núi ầm ào đổ xuống, những cánh rừng chưa kịp hồi sinh..., thực trạng ấy dấy lên hồi chuông về cách ứng xử của con người với thiên nhiên và vai trò của việc giữ rừng, trồng rừng trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động trồng rừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Theo Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng yêu cầu cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.
Thủ tướng lưu ý việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng vùng sinh thái để đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình tốt.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, các Bộ, ngành và nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Ngày 18/2, tại xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Sửu 2021”. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Bình một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí trong cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, tích cực hưởng ứng sáng kiến trồng mới một tỷ cây xanh trong năm năm tới.
Ảnh 1: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu trồng cây tại đồi Quang Phú, TP. Đồng Hới, Quảng Bình
Trước đó, ngày 17/2, tại Ninh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã phát động Tết trồng cây năm 2021 với mục tiêu: Toàn tỉnh phấn đấu trồng được trên 5,5 triệu cây xanh và 200 ha rừng giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị cao hơn so với trung bình chung của cả nước và đạt 5,5 m2/người. Trong năm 2021, Ninh Bình phấn đấu trồng mới được 1 triệu cây xanh và 40 ha rừng.
Tại Yên Bái, lãnh đạo thành phố Yên Bái kêu gọi cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở cùng các tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng và phấn đầu chăm sóc tốt để trồng cây nào, tốt cây đó. Trong năm 2021, thành phố Yên Bái phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 10.000 cây xanh đô thị và 20 ha rừng tập trung, từ đó tiến tới hoàn thành mục tiêu trồng 60.000 cây xanh đô thị trong giai đoạn 2020 - 2025, góp phần xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường.
Tại Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang cũng tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, để Nha Trang thật sự là điểm đến văn minh, thân thiện. Còn ở Hà Giang, Phú Thọ và nhiều địa phương khác, nhiều cây xanh cũng đang tích cực được trồng, với ước mong đất không còn trống, màu xanh được phủ lên – màu của sự sống, của niềm tin và hy vọng!
Gửi “màu xanh” cho thế hệ sau
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp....
Ảnh 2: Phong trào Tết trồng cây nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và các lực lượng chức năng
Thực hiện Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang xây dựng một đề án rất cụ thể. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ở nhiều góc độ để triển khai sáng kiến này, để việc trồng cây không đơn thuần là phong trào, cũng không phải chỉ dừng lại ở 1 tỷ cây mà còn giúp phục hồi thiên nhiên về mặt sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, là di sản để lại cho các thế hệ sau này. Vì thế các đơn vị liên quan cần có những đánh giá hiệu quả xuất phát từ khoa học, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, các điều kiện đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên đặc thù của từng khu vực, từng địa phương.
Theo Bộ trưởng, dựa trên các điều kiện tự nhiên khác nhau, việc trồng cây cũng sẽ khác nhau. Cây trồng tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tại các khu công nghiệp, đường giao thông… cần phải có cách triển khai phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, việc trồng cây cần được tất cả người dân cũng như các địa phương thực hiện thường xuyên và lâu dài. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đi đầu trong phong trào trồng cây.
Ảnh 3: Trồng cây để nhân lên màu xanh đất Việt
“Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân sẽ có những sáng kiến trồng cây không phải chỉ mỗi dịp Tết, mà sẽ trồng cây quanh năm để bảo vệ hệ sinh thái. Đã trồng cây nào thì cây đó phải có giá trị và phải được bảo vệ, trồng cây nào thì cây đó trở thành “món quà” gửi lại cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ./.
Tống Minh