Tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước trong năm 2022

Đăng ngày: 05-04-2022 | Lượt xem: 2180
“Bám sát thực tiễn, cập nhật thường xuyên mọi thông tin dự báo thiên tai từ các đơn vị chuyên môn trong nước và quốc tế” là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành trong cuộc họp sáng ngày 05/4/2022 tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Cuộc họp tập trung vào nhận định tình hình thiên tai năm 2022 tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước

Năm 2021 vừa qua, mặc dù diễn biến thiên tai năm 2021 không lớn như năm 2020, nhưng được xem là một năm tương đối phức tạp với 18/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện. Nhiệt độ trung bình toàn quốc được đánh giá là một trong những năm tương đối nóng với giá trị là 24,60C, cao hơn TBNN là 0,70C và được xếp hạng là năm nóng thứ 5 trong chuỗi số liệu quan trắc được kể từ năm 1971. Với 12 cơn bão và ATNĐ, trong đó Bão số 9 có cường độ mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Đây là trị số gió đo được trực tiếp lớn nhất trong vòng khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam. Hơn 40 đợt mưa lũ lớn diện rộng, trong đó đợt lũ từ ngày 28/11-03/12, đỉnh lũ trên các sông tử Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai ngày càng gia tăng và có xu hướng cực đoan hơn ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Là đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, trong năm 2022, Tổng cục chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất,... để thông tin kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Tổng cục cần bám sát thực tiễn, cập nhật thường xuyên mọi thông tin dự báo thiên tai từ các đơn vị chuyên môn trong nước và kinh nghiệm từ các trung tâm dự báo quốc tế. Phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước có nhận định nguồn nước trong tháng 4,tháng 5. Hoàn thiện quy trình ra bản tin dự báo hạn ngắn, hạn vừa, hạn mùa có sự kết nối với nhau. Cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo, cụ thể hóa bản tin dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết, bổ sung các thông tin dự báo tác động của bão và áp thấp nhiệt đới đến các ngành, lĩnh vực. Duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin khí tượng thủy văn tới người dùng thông qua App điện thoại di động, Facebook, Zalo...

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Cập nhật liên tục, thường xuyên mọi thông tin dự báo thiên tai

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong năm 2022, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ, 5-6 cơn đi vào đất liền.

Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 4 và tháng 5/2022. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ, thời kỳ nửa đầu mùa mưa (tháng 6-8/2022) có lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN. Thời kỳ tháng 7-9/2022 mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 9-11 ở mức xấp xỉ TBNN. Hiện chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa lớn dồn dập ở miền Trung như trong năm 2020 và 2021.

Khu vực Bắc Bộ: Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên đến sớm hơn TBNN, ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính khu vực Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2 (xấp xỉ TBNN và cao hơn năm 2021); các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN.

Khu vực Nam Bộ:  Mùa lũ 2022 trên sông Mê Công khả năng đến sớm hơn so với TBNN, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn ở Đồng bẳng sông Cửu Long; nhận định đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức 2,2-2,6m. Đỉnh lũ năm 2022, ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m.

Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài.

Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm và sông Chảy ở mức xấp xỉ TBNN. Trong tháng 5,6/2022, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: