Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mưa lũ tại miền Trung

Đăng ngày: 13-10-2022 | Lượt xem: 2335
Chiều tối 13/10, tại Tổng cục KTTV đã tổ chức cuộc họp thảo luận trực tuyến diễn biến áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tình hình mưa lũ. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đồng chủ trì cuộc họp.

Tham gia cuộc họp còn có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, Đặng Thanh Mai; đại diện một số các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Viện Khoa học KTTV va BĐKH, Viện Địa chất khoáng sản… ; Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục và các Đài KTTV Khu vực, Đài KTTV tỉnh ở các điểm cầu trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, sáng 13/10, vùng áp thấp trên khu vực Giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hiện nay, ATNĐ mạnh cấp 6 ở trên khu vực Giữa Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất khoảng 60%, mạnh cấp 8 giật cấp 10 khi đi vào khu vực Quảng Nam - Bình Định trong khoảng sáng ngày 15/10. Ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vùng mây đối lưu gây mưa to nằm ở phía tây của vùng tâm ATNĐ nên dù tâm ATNĐ còn cách xa đất liền những mưa đã xuất hiện từ chiều ngày 13/10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh trên biển, mưa lớn trên liền

Trên biển: Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m.

Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão hoàn lưu ATNĐ/bão, cường độ gió mạnh nhất có thể lên tới cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m. Từ chiều 14/10 vùng ven biển Quảng Trị-Ninh Thuận có gió cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m.

Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng do gió mạnh cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp vào nửa đêm và sáng sớm ngày 15-16/10. Toàn bộ tàu, thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ chịu tác động của gió giật mạnh, sóng lớn và triều cường.

Từ chiều tối ngày 14/10, khu vực ven biển đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên mưa sẽ xuất hiện từ chiều tối và đêm 13/10 và sẽ gây mưa to đến rất to, cao điểm đợt mưa tập trung trong 02 ngày 14 và 15/10.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai phát biểu tại cuộc họp

Các kịch bản cho ATNĐ và mưa lớn

Khả năng cao nhất (với xác suất xảy ra khoảng 70-80%): Xảy ra trong trường hợp áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực Trung Trung Bộ, tồn tại khoảng 1 ngày, gió Đông hoạt động mạnh, không khí lạnh cường độ trung bình. Khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm. Trong tâm mưa là: Thừa Thiên Huế- Bình Định.

 Khả năng thấp hơn nhưng gây mưa nhiều hơn (xác suất xảy ra khoảng 10-15%): Khi ATNĐ di chuyển chậm hướng về miền Trung tĩnh lại, ít di chuyển, không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh hơn. Mưa sẽ lớn hơn, khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng lượng mưa lượng mưa có thể lên tới 400-700mm.

Khả năng thấp hơn và gây mưa ít hơn (xác suất xảy ra khoảng 10-15%): ATNĐ di chuyển gần vào đất liền sau dịch chuyển ra ngoài biển và suy yếu, gió Đông và không khí lạnh đều hoạt động yếu. Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to tổng lượng mưa lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất

Dự báo ATNĐ sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 200-500mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực trũng thấp, đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, đặc biệt nguy cơ ngập lụt sâu tập trung chính các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Thừa Thiên Huế có 4 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 7 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 7 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu phổ biến từ 0,3-0,6m.

Trong đợt mưa lớn từ 9-11/10/2022, nhiều huyện miền núi ở Trung Bộ đã có mưa rất lớn, có nơi đạt 400-600mm. Trong đợt mưa này, mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại khu vực trung du và miền núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao như Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang (Quảng Nam); Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới, phát hiện, theo dõi, cảnh báo các tâm mưa lớn và thông tin được các điểm mưa đó đến các cấp lãnh đạo để chỉ đạo phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng yêu cầu các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố phối hợp với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cùng nghiên cứu, thảo luận, khi dự báo được các tâm mưa lớn thì phải chuyển thông tin nhanh nhất, tham mưu kịp thời với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: