Dự báo Khí tượng thủy văn: Một năm nhìn lại

Đăng ngày: 25-12-2020 | Lượt xem: 4420
Năm 2020, dự báo khí tượng thủy văn đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống bình an của người dân và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái.

Dự báo các yếu tố KTTV trong năm 2020 đạt và vượt chỉ tiêu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2020, đầu năm mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở các tỉnh thành miền Bắc, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các tháng mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Bộ và ĐBSCL.

Đặc biệt, mùa lũ Trung Bộ, Tây Nguyên đã phải hứng chịu chuỗi đã thiên tai liên tiếp, trong vòng 42 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa gấp 3,0-3,5 lần so với trung bình nhiều năm (TBNN) với nhiều điểm vượt lịch sử. Lũ lớn đã xả ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5-2,0m, nhiều sông đỉnh lũ đã vượt mức lịch sử; ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đánh giá, trong năm 2020, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã có bước tiến đột phá

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nguồn nước thường xuyên theo quy định của Tổng cục KTTV.

Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm đã phát đi bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Đến giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão “dồn dập vào cuối năm”, “đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020” và “tập trung ở khu vực Trung Bộ”. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện truyền thông đưa tin về nội dung này. Các thông tin dự báo mùa, dự báo tháng, dự báo 10 ngày đều có cập nhật thường xuyên.

Trong tháng 10 và 11/2020, Trung tâm liên tục ra bản tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Tổng cục để đảm bảo các nhận định, dự báo được sát với thực tế. Đặc biệt, Trung tâm đã có phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn khảo sát KTTV triển khai các quan trắc tăng cường các cơn bão đổ bộ vào đất liền, bổ sung thông tin giúp công tác giám sát và dự báo tốt hơn.

Công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc được thực hiện đầy đủ. Trung tâm đã cung cấp liên tục các bản tin dự báo phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Các bản tin dự báo hạn vừa, hạn dài, dự báo nguồn nước được thực hiện đầy đủ, kịp thời cung cấp cho các cơ quan, tổ chức theo Quy trình, Quy định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, các nhiệm vụ dự báo đột xuất phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn như: cung cấp tin dự báo thời tiết, thủy văn ở các khu vực sạt lở đất tại Huế, Quảng Trị, sự cố đắm tàu tại Cửa Việt (Quảng Trị) và tìm kiếm người mất tích trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa được triển khai kịp thời, tích cực.

Trong năm qua, Trung tâm cũng triển khai sản phẩm đồng hóa số liệu phân giải cao vào dự báo nghiệp vụ; trong đó đã sử dụng toàn bộ quan trắc bề mặt, cao không của Việt Nam và quan trắc vệ tinh, GTS đã qua xử lý của Mỹ. Đồng thời, phối hợp chia sẻ sản phẩm dự báo KTTV với các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh. Nhờ đó, kết quả dự báo các yếu tố KTTV trong năm 2020 đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Cán bộ KTTV dự báo tốt 13 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới

Nhìn nhận lực lượng dự báo KTTV như là hạt nhân của lực lượng phòng chống thiên tai, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chia sẻ: “Năm 2020 là một năm thiên tai bão chồng bão, lũ chồng lũ. Thực sự có những lúc chúng tôi nghĩ khó có thể vượt qua khi cơn bão này chưa qua đã nhìn thấy cơn bão khác sắp hình thành, khi nhìn thấy lượng mưa vượt quá kỷ lục. Trong bối cảnh chung đó, cán bộ KTTV đã chung sức với lực lượng phòng chống thiên tai ở cơ sở, dầm mình trong bão lũ để đảm bảo thông tin liên lạc, dự báo tốt 13 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới”.

Năm 2020, bão lũ dồn dập ở miền Trung. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu không đưa ra bản tin dự báo kịp thời, chính xác, tin cậy để có sự chuẩn bị sớm, giúp lực lượng phòng chống thiên tai các cấp vào cuộc kịp thời, quyết liệt… thì thiệt hại không chỉ dừng lại ở đó.

“Qua đánh giá này, chúng ta có thể tự hào, năm 2020 dự báo KTTV đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống bình an của người dân và vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái khẳng định.

Nhìn lại những tồn tại, khó khăn để xác định lộ trình phát triển, ông Thái cho rằng, trong nhiệm kỳ sắp tới, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngành KTTV cũng cần thay đổi chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức và phương hướng hoạt động. Mô hình hoạt động của KTTV sẽ thay đổi, mong muốn thông tin dự báo, cảnh báo của KTTV quốc gia bằng mọi giá phải đến Bộ Quốc phòng, Cục cứu hộ, cứu nạn; Bộ đội biên phòng; cảnh sát biển, báo chí, người dân… nhanh nhất đảm bảo thực hiện mục tiêu tối thượng là phục vụ người dân.

Trong năm 2021, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia căn cứ vào định hướng, nhìn nhận lại những tồn tại, xác định rõ các nhiệm vụ. Trong tình hình rét đậm, rét hại từ nay đến cuối năm 2020, tình hình thiên tai còn nhiều biến động, có thể còn ATNĐ, những cơn bão muộn… phải thường xuyên cập nhật kịp thời, giám sát, cảnh báo kịp thời để bà con nhân dân, Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT và các bên liên quan có thông tin, giải pháp kịp thời.

“Năm 2020, khi thiên tai liên tiếp xảy ra, chạm đến ngưỡng của sự thử thách, những bất cập cũng lộ diện. Do vậy, cần tập hợp những bất cập đó thành bài học kinh nghiệm. Từ đó, hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu, kịp thời thay đổi để phục vụ tốt hơn”, ông Thái nói và yêu cầu Trung tâm khẩn trương phối hợp với các Đài KTTV khu vực rà soát hệ thống dự báo, mạng lưới quan trắc, thông tin dữ liệu để chuẩn bị cho mùa bão lũ 2021.

Nhấn mạnh việc kiện toàn phương thức dự báo tác động, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu, ngay trong 6 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở những số liệu tích hợp của những nhà khoa học, tổ chức khoa học trong và ngoài nước, cơ quan dự báo đưa ra lộ trình, công cụ trước mắt để làm sao nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sạt lở đất. Để triển khai được đến địa phương, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để có được cảnh báo, bản đồ cảnh báo thời gian thực sạt lở đất đến từng điểm.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: