Tập trung theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến bão số 5

Đăng ngày: 18-09-2020 | Lượt xem: 3425
Tối ngày 17/9/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình diễn biến cơn bão số 5. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Thái chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, các thành viên Ban Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV: Vụ Quản lý dự báo KTTV, Vụ Quản lý mạng lưới KTTV, Vụ KHCN và HTQT, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Thông tin và dữ liệu KTTV, Trung tâm quan trắc KTTV, Đài khí tượng cao không và các Đài khí tượng khu vực và Đài tỉnh ở các điểm cầu trực tuyến.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã phân tích, thảo luận về cường độ, hướng di chuyển, tác động, vùng ảnh hưởng… của bão số 5 và thống nhất cho biết, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9 (75 - 90 km/giờ), giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV báo cáo tại cuộc họp

Đến 19 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Đáng chú ý, từ sáng sớm ngày mai (18/9), do ảnh hưởng của bão số 5, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió bão mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 13; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Đánh giá những tác động của bão số 5, các chuyên gia cảnh báo, do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ nay đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 19/9 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu toàn bộ các Đài khí tượng thủy văn khu vực, Đài khí tượng thủy văn tỉnh quán triệt công tác tuyên truyền về cường độ cơn bão số 5 với cường độ có thể lên đến cấp 11, 12. Về mức độ rủi do, tính dễ bị tổn thương về khu vực dự kiến đổ bộ với trọng tâm vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam là khu vực tập trung nhiều lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, du lịch với độ nhạy cảm tổn thương là rất lớn, cần lưu ý.

Ông đề nghị Trung tâm dự báo tiếp tục bám sát diễn biến bão số 5, cập nhật kịp thời các bản tin, từ thời điểm này cập nhật bản tin về bão hàng giờ chứ không chỉ là 3 tiếng hay 6 tiếng, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh. Cập nhật bản tin liên tục với truyền thông cũng như với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phục vụ điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành. Đài khí tượng cao không bám sát diễn biến của bão qua các radar để giám sát rìa bão, có những thông tin đầu tiên về bão khi gần bờ.

Toàn cảnh cuộc họp

Bài và ảnh: Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: