Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo cuộc họp
Tham dự cuộc họp có các Lãnh đạo Tổng cục KTTV; Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ TNMT; Cục Quản lý Tài nguyên nước; các Đài KTTV khu vực Miền núi Phía Bắc, Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Khảo sát KTTV.
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Hiện tại, Lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 19h/09/9, trên các sông như sau: Trên sông Thao tại Lào Cai 87,12m, trên BĐ3 3,62m, trên mức lũ lịch sử năm 1971 (86,85m) 0,27m; tại Bảo Hà 60,98m, trên BĐ3 3,98m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,05m; tại Yên Bái 34,28m, trên BĐ3 2,28m, dưới mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,14m; Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy 28,71m, trên BĐ3 1,71m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 (28,14m) 0,57m; tại Đáp Cầu 5,57m, trên BĐ2 0,27m; Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,16m, dưới BĐ3 0,14m; Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,62m, trên BĐ3 0,32m; Trên sông Lô tại Tuyên Quang 23,36m, dưới BĐ2 0,64m; Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 4,47m, trên BĐ1 0,47m; Trên sông Hồng tại Hà Nội 7,56m, dưới BĐ1 1,94m.
Ngoài ra, thông tin cảnh báo tác động của lũ trên các sông, suối gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng - Thái Bình. Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng - Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Theo đó, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Trước tình hình nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo. Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phải bám sát với Cục Quản lý Tài nguyên nước, các cơ quan chuyên môn của Bộ áp dụng mọi phương pháp đưa ra các kịch bản dự báo sát với tình hình thực tế nhất. Liên tục đưa ra các bản tin dự báo cập nhật tình hình về mưa lũ theo từng giờ.
Với lượng mưa và nước lớn xảy ra ở khu vực Lào Cai, Thứ trưởng tiếp tục đề nghị sử dụng mây vệ tinh theo dõi, tính toán lượng mưa xung quanh khu vực này để từ đó đưa ra các phương án cảnh báo cho khu vực sông Đà cũng như các lưu vực sông khác. Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần lên phương án dự đoán ngay sau khi kết thúc đợt mưa, bão lần này, thời tiết cực đoan có thể chuyển hướng sang khu vực phía Tây gây mưa nhiều ở Lào, Thái Lan sẽ ảnh hưởng tới lưu vực sông Mê Công ra sao,...
Toàn cảnh hội nghị
Tạp chí KTTV