Ứng dụng mạnh chuyển đổi số trong ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

Đăng ngày: 16-04-2024 | Lượt xem: 2803
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ từ các hoạt động phía thượng lưu

Liên quan đến tình hình hạn mặn ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: “ĐBSCL hiện đang phải chịu tác động mạnh mẽ trực tiếp lẫn gián tiếp từ các hoạt động phát triển KT-XH và sử dụng tài nguyên nước từ phía thượng lưu, trong khu vực ĐBSCL và sự thay đổi điều kiện tự nhiên trên toàn lưu vực, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khí hậu cực đoan ngày càng diễn ra với tần suất và mức độ gia tăng”.

PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia

Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm, mùa hạn mặn năm 2023-2024 ở ĐBSCL đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN), xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ đầu mùa khô tính đến nay ở mức cao hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023 từ 6-16km, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.

Ngay từ giữa mùa lũ năm 2023 (tháng 9/2023), nhận định tình hình dòng chảy mùa khô năm 2023-2024 có khả năng thiếu hụt so với TBNN, xâm nhập mặn đến sớm và cao hơn TBNN, các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV đã gửi các bản tin nhận định dài hạn đến Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, Bộ NN&PTNT, các địa phương để sớm có biện pháp ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024; sau đó là các bản tin dự báo, cảnh báo thiếu hụt nguồn nước, xâm nhập mặn được các đơn vị dự báo cập nhật theo tuần, tháng, trong bản tin đã dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan  trắc, dự báo ranh mặn 1 phần ngàn và 4 phần ngàn đến từng sông chính trên địa bàn tỉnh thuộc ĐBSCL, số liệu độ mặn được cập nhật gửi đến các địa phương hàng ngày tại các điểm quan trắc.

Căn cứ vào các thông tin dự báo cảnh báo, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Cần có những giải pháp căn cơ trong ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng: “Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong giai đoạn ngắn hạn, cần tiến hành các nhóm giải pháp như tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống thủy lợi, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; kiểm soát vào các vùng ngọt; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa; điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả đồng bằng; quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Về dài hạn thực hiện đầy đủ các chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ”.

PGS.TS. Mai Văn Khiêm cho biết thêm, đối với việc phát triên hồ chứa nước ngọt, đã có những nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để trữ nước cho vùng nhằm điều tiết nước ngọt cho vùng ĐBSCL thiếu nước trong mùa khô hạn.

Năm 2019, Bộ TN&MT đã phê duyệt dự án Dự án “Xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL”, theo đó nghiên cứu một cách tổng thể các giải pháp trữ nước cho vùng ĐBSCL, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên và xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo tại các vùng khan hiếm nước. Bộ TN&MT cũng đang khẩn trương tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công.

Ứng dụng chuyển đổi số trong ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

Về giải pháp ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL, GS. TS Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Để hạn chế và ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong tương lai, mỗi địa phương cần thực hiện những biện pháp phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, cần tiến hành một số giải pháp chung như tăng cường mật độ, chất lượng hệ thống quan trắc mặn theo không gian và thời gian. Mô hình số dự báo mặn cần được đẩy mạnh. Ứng dụng mạnh mẽ AI và big data trong giám sát và dự báo mặn. Một số công nghệ tương tự đã được Tổng cục KTTV Việt Nam ứng dụng hiệu quả và đạt giải chuyển đổi số Quốc gia cần được nhân rộng như như hệ thống cảnh báo dông sét thời gian thực cần được nhân rộng. Cơ sở dữ liệu giám sát mặn cần hoàn thiện. Hiện trạng hoạt động của hệ thống ngăn mặn cần được giám sát, báo cáo và vận hành online. Cần có app và các loại hình bản tin mặn như các bản đồ số trực tuyến cung cấp kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó có nền tảng mạng xã hội…”.

Theo GS. TS Trần Hồng Thái, về lâu dài cần tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, dự báo xâm nhập mặn; Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong Ủy hội Mê Công và Trung Quốc để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung của cả khu vực theo Hiệp định Mê Công 1995, ký kết song phương với từng quốc gia hay đa phương.

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, gia tăng diện tích trồng lúa và số vụ lúa mỗi năm, nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa nhằm làm tăng chất lượng nước ngọt, giảm phèn, nhiễm mặn, ô nhiễm phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn nước phù hợp với phát triển kinh tế, môi trường và tập quán ở địa phương; Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Việc nghiên cứu tiến hành các biện pháp bền vững lâu dài cho phát triển kinh tế địa phương, cần phải từng bước lựa chọn và lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn và nước lợ.

 

"Kiện toàn hệ thống đê và thành lập nhiều khu tứ giác là một trong những ưu tiên chính. Thành lập các khu vực bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn nhằm chủ động trong việc dẫn nước lũ vào cải tạo đồng ruộng và phục vụ nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng nhằm đảm bảo đời sống sản xuất của người dân, tạo ra các vùng đất an toàn đối với lũ và xâm nhập mặn, đồng thời chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng bao gồm: thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo vét các sông, kênh và rạch, xây dựng hồ chứa nước và tận dụng nguồn nước mưa. Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, đây là dự án lâu dài, bền vững dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với mực nước biển dâng cao. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đây là một trong những biện pháp tích cực và hiệu quả nhất để quản lý nguồn nước ngọt, gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn", GS. TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.         

Nguồn https://vov.vn/xa-hoi/ung-dung-manh-chuyen-doi-so-trong-ung-pho-voi-han-man-o-dbscl-post1089269.vov

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: