MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ CHUYÊN ĐỀ THÁNG 06 NĂM 2023

Đăng ngày: 28-06-2023 File đính kèm
Tạp chí số chuyên đề 750(1) tháng 6 năm 2023

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Phân tích độ bất định trong xây dựng bản đồ ngập lụt dựa trên phương pháp mô phỏng

Trần Thị Tuyết1, Nguyễn Thanh Thủy2*

1 Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo; trantuyettl96@gmail.com

2 Trường Đại học Thủy Lợi; thanhthuy_rt@tlu.edu.vn

*Tác giả liên hệ: thanhthuy_rt@tlu.edu.vn; Tel.: +84-366171387

Tóm tắt: Lũ lụt là loại hình thiên tai xảy ra phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam với những thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Bản đồ ngập lụt được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý rủi ro ngập lụt và được xây dựng bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, phương pháp mô phỏng bằng mô hình toán cho các trận mưa hay sự cố công trình với các tần suất khác nhau thường được sử dụng. Nghiên cứu đã tiến hành thu thập, tổng hợp và phân tích các nghiên cứu trong và ngoài nước về xây dựng bản đồ ngập lụt nói chung và có xét tới độ bất định nói riêng. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng việc đưa ra giải giá trị hay đánh giá độ bất định trong kết quả tính toán là rất cần thiết. Tuy nhiên, độ bất định trong xây dựng mô phỏng bản đồ ngập lụt chủ yếu được đề cập trong các nghiên cứu nước ngoài trong khi các nghiên cứu trong nước gần như không đề cập tới. Các nghiên cứu hiện nay chưa đánh giá ảnh hưởng của độ bất định trong thiết lập mô hình mưa thiết kế đến bản đồ ngập lụt.

Từ khoá: Bản đồ ngập lụt; Độ bất định; Mưa dòng chảy; Thủy lực; Mưa thiết kế.

1

2

Quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ 4.0: Thực trạng và giải pháp

Vũ Đức Long1*, Nguyễn Thị Thu Loan1, Trần Quang Năng1, Phạm Hoàng Hùng1

1 Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn; longkttv@gmail.com; loanthunguyen268@gmail.com; trannang030984@gmail.com; phhung@gmail.com

*Tác giả liên hệ: longkttv@gmail.com; Tel: +84–914081981

Tóm tắt: Trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực tại các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) là một xu hướng tất yếu. Điều này đòi hỏi công tác quản lý về hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV cũng cần phải có những điều chỉnh, thay đổi căn bản để có thể làm tốt vai trò của mình. Đó là điều chỉnh, thay đổi từ tư duy quản lý đến phương thức điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Khi đó, công tác quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV sẽ trở lên dễ dàng hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê được sử dụng trong bài báo này để đánh giá và đề xuất được các giải pháp cụ thể trong quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Những kết quả nghiên cứu này là một trong những cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy định pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV trên phạm vi cả nước trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ 4.0.

Từ khoá: Quản lý dự báo , cảnh báo KTTV; Chuyển đổi số; Công nghệ 4.0.

16

3

Xây dựng quy trình phân tích nhanh bằng dữ liệu ảnh viễn thám kết hợp với mô hình hóa trong dự báo biến động lớp phủ mặt đất

Nguyễn Quốc Khánh1*

1 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; khanhrsc@gmail.com

*Tác giả liên hệ: khanhrsc@gmail.com; Tel.: +84–969679559

Tóm tắt:  Hiện nay việc sử dụng các mô hình để xây dựng các kịch bản tài nguyên môi trường là rất quan trọng để đưa ra các quyết định và chính sách bảo vệ môi trường bền vững. Các mô hình này có thể giúp cho các chuyên gia đánh giá tác động của các hoạt động con người đến tài nguyên môi trường, đưa ra các giải pháp và kế hoạch phục hồi tài nguyên, giảm thiểu rủi ro và ảnh hưởng của các sự cố môi trường. Việc áp dụng các mô hình này cần sự chính xác và chuẩn xác để đưa ra những kết quả chính xác và đáng tin cậy. Các kịch bản này là công cụ quan trọng trong việc đưa ra quyết định và lập kế hoạch giúp cho người quản lý có thể dự đoán được những hậu quả có thể xảy ra và tìm cách giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, các kịch bản còn giúp cho người quản lý có thể đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả hơn, đồng thời giúp cho các chính sách quản lý và quy hoạch lãnh thổ được thực hiện một cách đúng đắn. Tuy nhiên, việc xây dựng các kịch bản biến động sử dụng đất là một thách thức đối với các nhà quản lý đất đai và người nghiên cứu. Có rất nhiều yếu tố phức tạp và khó đo lường ảnh hưởng đến quá trình này, bao gồm sự tăng trưởng dân số, sự phát triển kinh tế, cấu trúc dân cư và nhu cầu sử dụng đất. Việc xây dựng các kịch bản này đòi hỏi sự đồng thuận và tập trung của các chính phủ và các bộ. Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai Việt Nam cần phải xây dựng quy trình phân tích nhanh bằng dữ liệu ảnh viễn thám kết hợp với mô hình hóa trong dự báo biến động lớp phủ mặt đất là hết sức cần thiết, giúp nhà quản lý có cơ sở khoa học để đưa ra những quyết định chính xác trong công tác quản lý đất đai.

Từ khoá: Phân tích nhanh; Mô hình hóa; Dự báo biến động lớp phủ mặt đất.

29

4

Nghiên cứu hiện trạng và lập kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trần Thanh Chi1*, Đinh Quang Hưng1, Nguyễn Thị Thu Hương1

1 Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội; chi.tranthanh@hust.edu.vn; hung.dinhquang@hust.edu.vn; huong.nguyenthithu@hust.edu.vn

*Tác giả liên hệ: chi.tranthanh@hust.edu.vn; Tel.: +84–973761680

Tóm tắt: Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát để đánh giá quy mô, mức độ phát sinh chất thải rắn y tế tại các bệnh viện/ cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó xác định phương án thu gom, vận chuyển và xử lý cho dòng thải này. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có tổng số khoảng 3.676 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm: cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương; cơ sở y tế cấp thành phố; cơ sở y tế tuyến quận/huyện/thị xã; trạm y tế xã/phường/thị trấn và các cơ sở y tế tư nhân. Theo thống kê, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 27.522 kg/ngày; trong đó chất thải rắn y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày (khoảng 30%), chất thải rắn không nguy hại khoảng 19.074 kg/ngày. Nghiên cứu đề xuất phương án thu gom, vận chuyển và xử lý theo các phương thức: mô hình xử lý tại chỗ; mô hình xử lý theo cụm; mô hình xử lý tập trung. Phương án đề xuất dựa trên khối lượng phát sinh, quãng đường vận chuyển, công suất, công nghệ xử lý, chi phí xử lý… tiến tới có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn y tế tại Hà Nội.

Từ khoá: Chất thải y tế; Bệnh viện/cơ sở y tế; Thu gom; Vận chuyển; Xử lý.

45

5

Nghiên cứu đánh giá xu thế và mức độ biến đổi nhiệt độ cực trị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 1981–2020

Phạm Thị Minh1*, Lê Thị Mai Liên2, Nguyễn Thị Hằng3, Trần Thị Hồng Tường4

1 Khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; minhpt201@gmail.com

2 Sinh viên Khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; halinhvtml@gmail.com

3 Khoa Đại cương, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; hang.nguyen687@gmail.com

4 Khoa hệ thống thông tin và Viễn thám; tthtuong@hcmunre.edu.vn

*Tác giả liên hệ: minhpt201@gmail.com; Tel: +84–936069249

Tóm tắt: Trong bài báo này tác giả sử dụng số liệu trong 40 năm qua (1981-2020) về nhiệt độ cực trị của 02 trạm khí tượng cơ bản: Nha Trang, Cam Ranh để đánh giá xu thế đổi nhiệt độ cực trị của tỉnh Khánh Hòa. Kết quả cho thấy xu thế biến đổi nhiệt độ cực trị có tốc độ tăng giảm khác nhau qua từng thời kì và có sự khác nhau giữa các khu vực nghiên cứu. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối tại trạm Cam Ranh có tốc độ tăng nhanh trong giai đoạn 2001-2020, tốc độ tăng xấp xỉ +0,24oC/thập kỷ gấp 20 lần tốc độ tăng của trạm Nha Trang (xấp xỉ +0,12oC/thập kỷ). Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối tăng nhưng không có sự chênh lệch nhiều giữa các trạm, đều tăng nhanh với tốc độ tăng xấp xỉ +1,0oC/thập kỉ trong giai đoạn hai thập kỉ gần nhất. Nhiệt độ cực tiểu tăng với tốc độ nhanh hơn so với cực đại làm cho khoảng cách chênh lệch giữa hai giá trị cực trị giảm đi, chính sự tăng lên của nhiệt độ tối thấp góp phần quan trọng trong quá trình ấm lên vì nhiệt độ tối thấp cao đồng nghĩa đêm ấm kéo dài và sẽ làm nhiệt độ cao duy trì trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới các hiện tượng cực đoan như nắng nóng. Số ngày nắng nóng trạm Nha Trang chỉ tăng rất ít với 0,7 ngày/thập kỉ, trong khi đó trạm Cam Ranh có tốc độ tăng nhanh hơn rất nhiều với giá trị đạt 12 ngày/thập kỉ.

Từ khoá: Xu thế; Nhiệt độ cực trị; Cực trị; Cực đoan.

53

6

Xây dựng bản đồ vị trí bãi rác, bãi chôn lấp, đánh giá nguy cơ thất thoát rác thải nhựa thông qua dữ liệu ảnh vệ tinh có độ phân giải cao từ chương trình Copernicus

Vũ Đình Hiếu1, Phạm Văn Hiếu1*, Nguyễn Thị Thúy1, Nguyễn Thị Diệu Thúy2, Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh2, Caleb Kruse3

1 Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường; vudinhhieu@gmail.com; hieupv.env@gmail.com; thuynt34@gmail.com

2 Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam); thuy.nguyendieu@wwf.org.vn; quynh.nguyenmy@wwf.org.vn

3 Earthrise Media; caleb@earthrise.media

*Tác giả liên hệ: hieupv.env@gmail.com; Tel.: +84–986967661

Tóm tắt: Dựa trên các dữ liệu ảnh vệ tinh có độ phân giải cao từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, nền tảng Global Plastic Watch (GPW) đã được thiết lập nhằm theo dõi và đánh giá khả năng rò rỉ tại các bãi chôn lấp tại một số quốc gia trên thế giới. GPW sử dụng công cụ phân tích dữ liệu vệ tinh để phát hiện các bãi rác, bãi chôn lấp dựa vào hai mạng nơ-ron tích chập (Convolutional Neural Network (CNN), phân tích và kết hợp các tín hiệu quang phổ, không gian và thời gian từ dữ liệu do vệ tinh Sentinel-2 thu thập và xác định được 198 bãi rác, bãi chôn lấp nằm trong 10 địa phương thuộc phạm vi Dự án Giảm thiểu Rác thải Nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF-Đức và WWF-Việt Nam tài trợ. Căn cứ vào các kết quả kiểm định, xác thực về vị trí, diện tích, mật độ dân cư, độ cao và độ dốc bãi, khoảng cách từ bãi tới dòng chảy, thủy vực, nghiên cứu đã đề xuất được tiêu chí đánh giá khả năng rò rỉ rác thải nhựa từ các bãi rác, bãi chôn lấp, kiểm định lại số liệu từ kết quả mô hình và ảnh viễn thám và xác định được 17 vị trí có nguy cơ rò rỉ rác thải nhựa ra sông và biển cao nhất tại Việt Nam.

Từ khoá: Bãi rác; Bãi chôn lấp; Rác thải nhựa; Thất thoát; Ảnh vệ tinh.

67

7

Nghiên cứu mối quan hệ giữa ENSO với cường độ của áp thấp Aleut

Nguyễn Linh Trang1, Lê Anh Trung1, Lê Lan Anh1, Chu Thị Thu Hường1*

1 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; nguyenlinhtrang010@gmail.com leetrung14@gmail.com; 1911020666@hunre.edu.vn; ctthuong@hunre.edu.vn

*Tác giả liên hệ: ctthuong@hunre.edu.vn; Tel.: +84–981244579

Tóm tắt: Ảnh hưởng của ENSO đến áp thấp Aleut đã được phân tích thống kê những biến đổi cường độ, phạm vi của áp thấp này trong từng tháng và từng thời kỳ ENSO cũng như mối quan hệ tương quan giữa chúng trong thời kỳ 1981-2020. Từ đó cho thấy, áp thấp Aleut trong thời kỳ El Nino thường mạnh hơn trong thời kỳ La Nina và không ENSO. Trong hầu hết các tháng, áp thấp này có xu hướng mở rộng sang phía tây trong thời kỳ La Nina song lại mở rộng hơn sang phía đông, lên phía bắc và đặc biệt mở rộng xuống phía nam trong thời kỳ El Nino. Cường độ của áp thấp này có mối quan hệ chặt chẽ với SST vùng NINO.3 trong các tháng 1, 2 và 3. Điều này một lần nữa khẳng định sự tăng cường của áp thấp Aleut trong thời gian này khi El Nino xuất hiện. Sự biến đổi về cường độ cũng như phạm vi của áp thấp Aleut cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của không khí lạnh trong mùa đông ở Việt Nam.

Từ khoá: El Nino; La Nina; Áp thấp Aleut; Cường độ; Mối quan hệ.

78

8

Đánh giá hiệu quả chuyển đổi mô hình vận hành cửa van của hệ thống cống dưới đê biển Tây thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang

Ngô Thanh Toàn1, Lâm Tấn Phát1, Nguyễn Thái An2, Huỳnh Vương Thu Minh3, Trần Văn Tỷ2*

1 Học viên cao học, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ; toanm4221036@gstudent.ctu.edu.vn, phatm4220016@gstudent.ctu.edu.vn

2 Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ; siahtna3106@gmail.com, tvty@ctu.edu.vn

3 Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, hvtminh@ctu.edu.vn

*Tác giả liên hệ: tvty@ctu.edu.vn; Tel.: +84–939501909

Tóm tắt: Những thách thức về biến động nguồn nước thượng nguồn và biến đổi khí hậu đe dọa đến sản xuất nông nghiệp cũng như vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi, và do đó việc nghiên cứu chuyển đổi mô hình vận hành là vấn đề cấp thiết. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả chuyển đổi mô hình vận hành cửa van của hệ thống cống dưới đê biển Tây thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên. Trước tiên, hiện trạng vận hành các cống được đánh giá qua các tài liệu thu thập và khảo sát thực tế. Tiếp đến, các bên liên quan được phỏng vấn và kết hợp phân tích SWOT. Chỉ số chất lượng nước WQI được tính toán và chiều dày lớp bùn dưới đáy cống được đo đạc nhằm đánh giá hiệu quả mô hình chuyển đổi về kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội. Kết quả cho thấy, hiện trạng vận hành các cống dưới đê biển Tây đã xảy ra một số trường hợp ngập úng cục bộ trên các khu vực có địa hình thấp, chưa có hệ thống đê bao khép kín và các cống vận hành tự động nên không chủ động mở thoát nước kịp thời. Kết quả đánh giá hiệu quả cho thấy tuy chi phí đầu tư cải tạo ban đầu tương đối cao (từ 5,4-6,6 tỷ/cửa van) nhưng sản lượng và năng suất lúa có xu hướng tăng, tiết kiệm chi phí nạo vét từ 5-8 triệu/cửa/năm, chất lượng nước mặt trong vùng được cải thiện đáng kể theo WQI. Kết quả phân tích SWOT cho thấy mô hình vận hành mới có tính ưu việt hơn mô hình đóng/mở tự động theo thủy triều.

Từ khoá: Chuyển đổi mô hình vận hành cửa van; Chất lượng nước mặt; Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội; SWOT; Vùng Tứ Giác Long Xuyên.

89

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất