MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 8 NĂM 2022

Đăng ngày: 05-09-2022 File đính kèm
Số 740 tháng 8 năm 2022

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Sự biến đổi của số đợt rét đậm, rét hại xảy ra trên vùng Đồng Bằng Bắc Bộ trong thời kỳ 1981–2020

Chu Thị Thu Hường1*, Nguyễn Văn Tâm Tân2

1 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ctthuong@hunre.edu.vn

2 Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; nguyenvantamtan@gmail.com

*Tác giả liên hệ: ctthuong@hunre.edu.vn; Tel.: +84–981244579

Tóm tắt: Nghiên cứu sự biến đổi số đợt rét đậm (RĐ), rét hại (RH) dựa trên nhiệt độ trung bình ngày (Ttb) tại 10 trạm khí tượng vùng Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 6.2 đợt RĐ và 3.2 đợt RH ảnh hưởng. Các đợt RĐ, RH chủ yếu kéo dài từ 1 đến 4 ngày (chiếm khoảng 70%). Chúng có xu hướng giảm khoảng 0,3 đến 0,5 đợt RĐ/thập kỷ và khoảng 0.4 đến 0,7 đợt RH/thập kỷ. Trong những năm gần đây, số đợt RĐ, RH có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Ở hầu hết các trạm, chúng thường giảm dần từ thập kỷ 1981–1990, song lại tăng trong thập kỷ 2011–2020 (đối với các đợt kéo dài từ 1 đến 3 ngày và trên 10 ngày). Mức độ tăng giảm số đợt RĐ, RH trong từng thập kỷ không nhiều, nhất là đối với các đợt RĐ, RH kéo dài từ 10 ngày trở lên. Số đợt RĐ, RH thường tăng (trong và sau thời kỳ La Nina) và giảm (trong và sau thời kỳ El Nino).

Từ khoá: Đợt rét đậm; Rét hại; Đồng bằng Bắc Bộ, ENSO.

1

2

Mô hình dự đoán độ thấm từ dữ liệu phân tích mẫu lõi bằng phương pháp HFU và MICP cho tập cát kết thuộc tầng Miocen, mỏ Alpha, bể Nam Côn Sơn

Phan Ngọc Quốc1, 2, 3, Phùng Đại Khánh2, 3 *

1 Viện Dầu Khí Việt Nam; quocpn.vpilabs@vpi.pvn.vn

2 Bộ môn Khoan – Khai thác dầu khí, Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh; phungdaikhanh@hcmut.edu.vn

3 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; phungdaikhanh@hcmut.edu.vn

*Tác giả liên hệ: phungdaikhanh@hcmut.edu.vn; Tel: +84–918336685

Tóm tắt: Trong nghiên cứu này, dữ liệu độ rỗng, độ thấm từ tập cát kết tầng Miocen, mỏ Alpha thuộc bể Nam Côn Sơn được thu thập, phương pháp đơn vị dòng chảy thủy lực (HFU) được áp dụng để phân chia vỉa chứa thành các đơn vị dòng chảy. Từ mối quan hệ rỗng–thấm tương ứng trong mỗi đơn vị dòng chảy có thể thiết lập được công thức dự đoán độ thấm. Ngoài ra, dựa trên dữ liệu phân tích áp suất mao dẫn bơm ép thủy ngân (MICP), thông số R35 được kết hợp với số liệu độ rỗng, độ thấm để xây dựng công thức thực nghiệm cũng cho phép ước tính độ thấm. Kết quả dự đoán độ thấm của các mô hình từ phương pháp HFU và MICP đều cho ra các kết quả dự đoán có độ tin cậy cao hơn so với mô hình rỗng thấm truyền thống. So sánh sự thay đổi độ thấm theo độ sâu của các giếng khoan trong khu vực nghiên cứu, độ thấm dự đoán từ hai phương pháp cho kết quả khớp với số liệu độ thấm đo được trên mẫu lõi.  Do đó, mô hình dự đoán độ thấm kết hợp phương pháp HFU và MICP có thể được áp dụng vào thực tiễn giúp nâng cao hiệu quả của công tác dự đoán độ thấm trong khu vực mỏ Alpha.

Từ khoá: Dự đoán độ thấm; HFU; MICP; R35.

13

3

Ứng dụng mô hình thủy văn đô thị mô phỏng mức độ ngập do gia tăng mực nước triều và khả năng thoát nước cho hệ thống kênh Tân Hóa – Lò Gốm ở thành phố Hồ Chí Minh

Hoàng Thị Tố Nữ1, Từ Thiếu Quyên2, Vũ Thị Vân Anh1, Nguyễn Thị Hồng Thảo3, Cấn Thu Văn1*

1 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; nu.htt@hcmunre.edu.vn;

vtvanh@hcmunre.edu.vn; ctvan@hcmunre.edu.vn

2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh; quyentuqldd@gmail.com

3 Viện Quy hoạch xây dựng miền nam; hongthaosgtl@gmail.com

*Tác giả liên hệ: ctvan@hcmunre.edu.vn; Tel.: +84–983738347

Tóm tắt: Với vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có tốc độ đô thị hóa nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy về cơ sở hạ tầng, trong đó vấn đề ngập đô thị là nặng nề nhất. Lưu vực Tân Hóa–Lò Gốm nằm ở ranh Tây Nam của nội thành giáp ranh giới với ngoại vị. Kênh chảy từ hướng Đông Bắc đến khu Tây Nam qua 5 quận: Tân Bình (khu Bàu Cát), quận 11, 6, 8, Bình Chánh và kết thúc tại kênh Tàu Hũ. Tổng diện tích lưu vực là 2.498 ha (chiếm 3,8% diện tích của thành phố). Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình PC SWMM để mô phỏng ảnh hưởng của việc gia tang mực nước biên đối với khả năng thoát nước của luu vực. Kết quả nghiên cứu cho thấy giải pháp hồ điều tiết có hiệu quả cả trong điều kiện biến đổi khí hậu ứng với các kịch bản đưa ra.

Từ khoá: Ngập lụt đô thị TPHCM; Mô hình SWMM; Kênh Tân Hóa–Lò Gốm.

22

4

Ứng dụng công nghệ viễn thám, RTK, GIS thành lập bản đồ ngập lũ đồng bằng Tuy Hòa – tỉnh Phú Yên

Lê Đức Hạnh1, Hoàng Thanh Sơn1*, Tống Phúc Tuấn1, Bùi Anh Tuấn1, Vũ Hải Đăng2, Nguyễn Thị Hải Yến1, Trịnh Việt Nga3

1 Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hanhvdl@gmail.com; hoangson97@gmail.com; tuan_tongphuc@yahoo.com; igtuan253@gmail.com

2 Viện Địa chất và Địa vật lý biển – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; vuhaidang@hotmail.com

3 Cục Viễn thám – Bộ Tài nguyên và Môi trường; tvnga2016@gmail.com

*Tác giả liên hệ: hoangson97@gmail.com; Tel.: +84–983920505

Tóm tắt: Ở những vùng thường xuyên chịu tác động của ngập lũ, bản đồ thể hiện các yếu tố diện và mức độ ngập lụt có ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó giảm thiểu thiệt hại, đồng thời làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu đã xây dựng phương pháp thành lập bản đồ ngập lũ trên cơ sở tích hợp công nghệ viễn thám, RTK và GIS áp dụng thử nghiệm cho vùng đồng bằng Tuy Hòa–tỉnh Phú Yên. Tư liệu ảnh viễn thám Sentinel 1 thời điểm tháng 11/2021 được xử lý trên máy chủ Google Earth Engine cho phép xác định nhanh các vùng ngập lũ. Kết hợp với số liệu khảo sát vết lũ cùng thời điểm bằng công nghệ đo RTK giúp nội suy mô hình bề mặt nước lũ để hiệu chỉnh kết quả giải đoán vùng ngập do ảnh hưởng của các yếu tố mặt đệm, độ cao địa hình. Phần mềm GIS xử lý kết hợp kết quả giải đoán vùng ngập, mô hình bề mặt nước lũ và bản đồ địa hình tỷ lệ lớn để xây dựng bản đồ diện và độ sâu ngập lũ. Bản đồ thể hiện chi tiết 7 cấp độ ngập từ 0–6 m, trong đó khu vực huyện Tây Hòa có tổng diện tích ngập lớn nhất (12.704 ha), TP. Tuy Hòa có diện tích ngập ít nhất (2.708 ha); độ sâu ngập phổ biến từ 1–3 m (16.945 ha) phân bố chủ yếu ở vùng trũng thấp của huyện Tây Hòa và TX. Đông Hòa. Nghiên cứu cho thấy khả năng tích hợp ảnh viễn thám, hệ thống giám sát mực nước và bản đồ địa hình tỷ lệ lớn nhằm giám sát lũ lụt thời gian thực đáp ứng công tác phòng chống thiên tai ngập lụt trên cả nước nói chung và vùng đồng bằng Tuy Hòa–tỉnh Phú Yên nói riêng.

Từ khoá: Đồng bằng Tuy Hòa; Bản đồ ngập lũ; Vết lũ; Viễn thám; RTK.

36

5

Đánh giá hiện trạng nồng độ hợp chất Polycyclic Aromatic Hydrocarbons (PAHs) trong nước sông Nhuệ đoạn chảy qua các quận nội thành Hà Nội

Vũ Kiều Trang1, Đỗ Hữu Tuấn1*

1 Khoa môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Địa chỉ: 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Hà Nội; vukieutrang_t63@hus.edu.vn; tuandh@vnu.edu.vn

*Tác giả liên hệ: tuandh@vnu.edu.vn; Tel.: +84–2438584995

Tóm tắt:  Polycyclic Aromantic Hydrocarbons (PAHs) là hợp chất có khả năng gây ung thư xuất hiện trong không khí, bụi, trầm tích, và nước từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, giao thông. Nghiên cứu tiến hành đánh giá nồng độ PAHs trong nước sông Nhuệ đoạn chảy qua nội thành Hà Nội bằng các phương pháp khảo sát, lấy mẫu và phân tích mẫu, và so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy 4 hợp chất phổ biến trong 16 hợp chất PAHs trong nước sông Nhuệ là Anthracen (22%), Fluoren (20%), Phenanthren (20%), Pyren (9%). Tổng hàm lượng các hợp chất PAHs nằm trong khoảng từ 61,12 ng/L đến 227,30 ng/l. Nghiên cứu cũng cho thấy hai điểm có tổng nồng độ PAHs cao là cầu Sa Đôi (227,3 ng/l) và cầu Đen (201,33 ng/l).

Từ khoá: Polycyclic Aromantic Hydrocarbons; PAHs; Sông Nhuệ; Hà Nội.

46

6

Một số nhận định ban đầu về nguyên nhân gây mất ổn định bờ sông ở huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang

Lâm Tấn Phát1, Đinh Văn Duy2, Cao Trung Hiếu1, Nguyễn Thái An2, Kim Lavane3, Trần Văn Tỷ2*

1 Học viên cao học, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ; phatm4220016@gstudent.ctu.edu.vn; hieum4220005@gstudent.ctu.edu.vn

2 Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ; dvduy@ctu.edu.vn; tvty@ctu.edu.vn; anb1908310@student.ctu.edu.vn

3 Khoa MT&TNTN, Trường Đại học Cần Thơ; klavane@ctu.edu.vn

*Tác giả liên hệ: tvty@ctu.edu.vn; Tel.: +84-939501909

Tóm tắt: Sự mất ổn định bờ sông không chỉ gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của cư dân sống trong khu vực bị sạt lở mà còn gây ra những thiệt hại gián tiếp đến môi trường. Đã có nhiều nghiên cứu ở khu vực các sông lớn như sông Tiền và sông Hậu để tìm ra những nguyên nhân mất ổn định. Tại các sông rạch nhỏ sạt lở vẫn diễn ra và thiệt hại gây ra vẫn rất lớn nhưng lại chưa có nhiều nghiên cứu cho các trường hợp này. Do đó nghiên cứu này được thực hiện để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định mái bờ sông Mái Dầm và rạch Xẻo Chồi tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám Google Earth giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2019 để đánh giá hiện trạng xây dựng và sạt lở ven sông. Phương pháp phân tích thứ bậc (Analytic Hierarchy Process - AHP) được sử dụng để xác định mức độ tác động của các yếu tố gây mất ổn định bờ sông. Sau đó tiến hành khảo sát thực địa để kiểm chứng kết quả AHP, từ đó tính toán ổn định bờ sông. Kết quả khảo sát và phân tích cho thấy địa chất là yếu tố tác động mạnh nhất trong các yếu tố, kết hợp với việc xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch tạo ra tải trọng làm giảm hệ số ổn định của mái bờ. Bên cạnh đó, độ cong và lưu tốc dòng chảy cũng là nguyên nhân gây xói lở và biến dạng lòng sông, dẫn đến tăng độ dốc mái bờ, ảnh hưởng đến ổn định bờ sông. Kết quả nghiên cứu sau khi áp dụng phương pháp AHP và khảo sát thực địa có thể mở rộng áp dụng cho các khu vực khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long để phân tích ổn định của bờ sông.

Từ khoá: Ảnh viễn thám; Mất ổn định mái bờ sông; AHP; Các yếu tố tác động; Hậu Giang.

57

7

Cân bằng nước và một số kiến nghị về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh An Giang

Tô Quang Toản1, Phan Trường Khanh2*

1 Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; toan_siwrr@yahoo.com

2 Khoa Kỹ Thuật Công Nghệ Môi Trường, Trường Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TPHCM; ptkhanhagu@gmail.com

*Tác giả liên hệ: ptkhanhagu@gmail.com; Tel.: +84–918440275

Tóm tắt: An Giang đứng thứ hai trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lương thực và nuôi cá nước ngọt, ở năm 2021 An Giang đóng góp 17,03% tổng sản lượng lương thực và 21,82% tổng sản lượng cá nuôi vùng ĐBSCL. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với các gia tăng phát triển nông nghiệp và thủy điện ở thượng nguồn đã làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy về đồng bằng cả mùa lũ và mùa kiệt những năm gần đây. Từ 2003 đến nay, ngoại trừ có lũ lớn ở 2011 còn lại liên tục là các năm lũ nhỏ và rất nhỏ. Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, đặc biệt ở mùa khô 2015–2016 và 2019–2020. An Giang là tỉnh đầu nguồn được xem là có lợi thế hơn về nguồn nước nên còn ít nghiên cứu chỉ ra các mối đe dọa đến sản xuất cho tỉnh. Thông qua việc sử dụng một số phương pháp tính toán cân bằng nước cho An Giang: ứng dụng của các mô hình mô phỏng lưu vực IQQM để tính nhu cầu nước; ứng dụng mô hình MIKE 11 để tính thủy lực và xâm nhập mặn; tính toán chỉ số khai thác nguồn nước, nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng nước như hiện nay ở các tháng kiệt ở mức 99,1÷187,6 m3/s đã đạt đến trạng thái bằng/vượt mức tới hạn ở ngưỡng khuyến cáo có căng thẳng về nước ở năm trung bình nước hay đến mức khá căng thẳng về nước vào tháng 2 và tháng 3 ở năm kiệt nước. Bài báo đưa ra một số kiến nghị về định hướng và giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh An Giang.

Từ khoá: Cân bằng nước; An Giang; Tứ giác Long Xuyên; Nông nghiệp bền vững; Chỉ số khai thác nước.

74

8

Dự báo nồng độ bụi PM2.5 phát tán trong quá trình nổ mìn trên các mỏ lộ thiên sử dụng mạng nơ–ron nhân tạo và giải thuật tối ưu hóa bầy đàn cải tiến (APSO–MLP)

Nguyễn Hoàng1,2*, Bùi Xuân Nam1,2, Trần Quang Hiếu1,2, Trần Khắc Hùng3, Nguyễn Tuấn Thành4

1 Bộ môn Khai thác lộ thiên, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; nguyenhoang@humg.edu.vn; buixuannam@humg.edu.vn; tranquanghieu@humg.edu.vn

2 Nhóm nghiên cứu mạnh Những tiến bộ trong khai thác mỏ bền vững và có trách nhiệm (ISRM), Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

3 Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (VNNIOSH); khachung722007@gmail.com

4 Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; nguyentuanthanh@humg.edu.vn

* Tác giả liên hệ: nguyenhoang@humg.edu.vn; Tel.: +84–977218899

Tóm tắt: Trong bài báo này, bụi mịn PM2.5 sinh ra do quá trình nổ mìn trên mỏ lộ thiên đã được dự báo bởi các mô hình trí tuệ nhân tạo dựa trên mạng nơ–ron truyền thẳng nhiều lớp (Multi–layer Perceptron Neural Network – MLP) và các giải thuật “tối ưu hóa bầy đàn” được cải tiến (Accelerated Particle Swarm Optimization – APSO), giải thuật di truyền (Genetic Algorithm – GA), có tên gọi APSO–MLP và GA–MLP. Các thông số nổ mìn và điều kiện khí tượng đã được xem xét trong nghiên cứu này. Một mạng MLP đã được thiết kế để dự báo nồng độ bụi mịn PM2.5. Các giải thuật tối ưu hóa APSO và GA đã được đưa vào để tối ưu hóa các trọng số của mô hình MLP nhằm cải thiện mức độ chính xác của mô hình MLP truyền thống trong quá trình dự báo. Các kết quả cho thấy cả hai mô hình được phát triển đều có khả năng dự báo nồng độ bụi mịn PM2.5 sinh ra do nổ mìn với mức độ chính xác tương đối cao. Trong đó, mô hình APSO–MLP cung cấp mức độ chính xác cao hơn so với mô hình GA–MLP (RMSE = 5,102; R2 = 0,900 và MAPE = 0,063). Trong khi đó, mô hình GA–MLP chỉ cung cấp mức độ chính xác với RMSE = 5,331, R2 = 0,890 và MAPE = 0,073.

Từ khoá: Mỏ lộ thiên; Nổ mìn; PM2.5; Mạng nơ–ron nhân tạo; Giải thuật tối ưu; Phát triển bền vững.

88

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất